In bài viết

Hòa Bình: Giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và tạo đà tăng trưởng trong tình hình mới

(Chinhphu.vn) - Mặc dù còn nhiều khó khăn, song tỉnh Hòa Bình luôn kiên định mục tiêu, quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và tạo đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới, bảo đảm đời sống nhân dân.

27/08/2022 09:18
Hòa Bình: Giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và đà tăng trưởng trong tình hình mới - Ảnh 1.

Năm 2022, dù đổi diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh Hòa Bình luôn quyết tâm giữ địa bàn ổn định, tạo đà tăng trưởng trong tình hình mới - Ảnh minh họa

Tỉnh Hòa Bình thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 trong bối cảnh có những thuận lợi, song cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là trong những tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, lao động và sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn, vận dụng, kế thừa kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện "mục tiêu kép" của năm 2021 cùng những quyết sách kịp thời, quyết đoán, tỉnh Hòa Bình đã bám sát thực tế, dự báo khoa học, chính xác để có những chủ trương đúng đắn, đặc biệt là áp dụng chiến lược thần tốc, tập trung mọi nỗ lực và nguồn lực để ngăn chặn, dập dịch trong thời gian ngắn nhất, nhanh chóng kiểm soát tốt tình hình.

Theo đó, tỉnh đã phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" bảo đảm ứng phó, xử lý linh hoạt, sáng tạo, kịp thời các tình huống xảy ra. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã kiểm soát được tình hình, từng bước chặn đứng đà lây lan của chủng mới virus SARS-CoV-2, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế-xã hội; ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa.

Mặc dù còn nhiều khó khăn song tỉnh Hòa Bình luôn kiên định mục tiêu, quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và tạo đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới, bảo đảm đời sống nhân dân.

Tỉnh đã tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án. Đồng thời, thường xuyên kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ hằng tháng, hằng quý để chủ động xử lý theo thẩm quyền; đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Qua đó, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đã có những chuyển biến tích cực.

6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 5,13%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.256,8 tỷ đồng, bằng 84% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 51% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. 

Hòa Bình: Giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và đà tăng trưởng trong tình hình mới - Ảnh 2.

6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 5,13% - Ảnh minh họa

Giá trị xuất khẩu ước đạt 702,63 triệu USD, tăng 21,38% so với cùng kỳ năm trước, bằng 48,9% so với kế hoạch năm. Có 29 dự án đầu tư trong nước được quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án đầu tư trên toàn tỉnh lên 681 dự án; có 255 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 7.350 tỷ đồng. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 được quan tâm thực hiện. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được chú trọng. 

Công tác bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm. Đây là yếu tố tiên quyết để Hòa Bình tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và tạo đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới và phấn đấu thực hiện thành công "mục tiêu kép" trong năm 2022.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Toàn, thời điểm này, các sở, ngành, địa phương đang tích cực triển khai Nghị quyết số 01 ngày 8/1/2022, Nghị quyết số 02 ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Chỉ thị số 03 ngày 18/1/2022 của UBND tỉnh về nhiệm vụ giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, đặc biệt là thực hiện kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, địa phương; tập trung vào thu ngân sách nhà nước, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trong, ngoài ngân sách nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

Thời gian còn lại của năm 2022, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo. Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để bảo đảm kịch bản tăng trưởng kinh tế như: Kích cầu tiêu dùng, du lịch; hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn; tập trung cho các nguồn thu từ thuế, phí, thu từ đất và khai thác tài nguyên khoáng sản...

Tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể những tháng còn lại của năm 2022 cho từng sở, ban, ngành, địa phương. Cùng với đó, phân cấp quản lý mạnh hơn để tăng cường trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, sắp xếp, bố trí lại vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ.

Vũ Phong