In bài viết

Hòa giải viên cơ sở: Những người thắt chặt 'tình làng, nghĩa xóm'

(Chinhphu.vn) - Trong những chuyến đi công tác đến các huyện của Thanh Hóa, chúng tôi có dịp trò chuyện với những hòa giải viên cơ sở tiêu biểu, uy tín ở xứ Thanh đã góp phần quan trọng "hóa giải" các mâu thuẫn, gắn chặt "tình làng, nghĩa xóm" ở khu dân cư.

05/12/2022 16:27
Hòa giải viên cơ sở: Những người thắt chặt "tình làng, nghĩa xóm" - Ảnh 1.

Huyện nông thôn mới Nga Sơn đang đổi thay từng ngày - Ảnh: ngason.gov.vn

Nói chuyện với bác Mai Ngọc Toản, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải tiểu khu Yên Hạnh 1, thị trấn Nga Sơn (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê, trách nhiệm bác dành cho công tác mặt trận, hòa giải ở cơ sở mà bác đã đảm nhận suốt hơn 10 năm nay. 

Theo bác Toản, làm công tác hòa giải ở khu dân cư là việc không hề đơn giản, nhất là đối với các xã đang "đô thị hóa" nhanh chóng. Đây cũng là lúc phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, kiến nghị, nhất là các vấn đề liên quan đến trật tự xây dựng, đất đai thừa kế, mâu thuẫn trong các gia đình... rất khó hòa giải, mà nếu hòa giải thành thì mất nhiều thời gian, công sức.

Ở trong tiểu khu đã xảy vụ việc mâu thuẫn giữa anh em, dòng họ tranh chấp đất xây dựng nhà thờ. Mặc dù là người trong cùng gia đình, nhưng vì sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan điểm, nhận thức, tính cách... nên anh chị em trong nhà xảy ra cãi vã và không thống nhất được việc phân chia. Tổ hòa giải của tiểu khu đã nhiều lần gặp gỡ, động viên nhưng cũng chỉ mới giải tỏa căng thẳng, để anh chị em trong nhà bớt lời qua tiếng lại, còn việc giải quyết dứt điểm nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn vẫn còn là bài toán khó.

Bác Toản cho biết, hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần là đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ, động viên theo phương châm "mưa dầm thấm sâu". Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, tác động tư tưởng để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. 

Câu chuyện hòa giải mà bác ấn tượng nhất đã xảy ra từ vài năm trước, khi vợ chồng anh A. và chị H. xảy ra mâu thuẫn, lục đục đòi ra tòa ly hôn. Nhưng rồi, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, nghe lời khuyên răn, động viên của các hòa giải viên, vợ chồng anh chị đã làm lành, trở về chung sống với nhau. Bây giờ cứ mỗi lần nhìn thấy anh chị ấy và con cái khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, xây nhà cửa khang trang là bác và các thành viên trong tổ hòa giải lại thấy vui trong lòng.

"Cho dù vất vả, tốn nhiều thời gian công sức, thù lao không được bao nhiêu nhưng bù lại là niềm vui sau mỗi lần hòa giải được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của bà con lối xóm", bác Toản chia sẻ.

Có gần 20 năm làm Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Thung Thôn, xã Định Hòa (Yên Định), bác Lê Văn Lợi không nhớ đã hòa giải bao nhiêu vụ việc, tuy nhiên khi hỏi đến bất kỳ vụ nào thì những ký ức, kỷ niệm như ùa về, bác kể không thiếu một chi tiết nào. Đó đơn giản là niềm đam mê, sự cống hiến của một người vì hạnh phúc mọi người.

Bác Lợi chia sẻ về những khó khăn trong quá trình hòa giải, xóa tan mâu thuẫn đem lại niềm vui, thuận hòa cho các bên. "Vận động, thuyết phục các bên thì dễ nhưng dùng lý lẽ, căn cứ vừa hợp tình, hợp lý vừa đúng luật rất khó, nhất là trong các vụ tranh chấp về đất đai hay dân sự. Do đó, khi có vụ việc, các thành viên trong tổ hòa giải phải họp lại đưa ra nhiều giải pháp, sau đó tiến hành hòa giải nên tỉ lệ hòa giải thành cao".

Cũng theo bác Lợi, trong quá trình hòa giải, tùy vào vụ việc cụ thể, các thành viên tổ hòa giải vận dụng thêm những phong tục tập quán ở địa phương, những hiểu biết về pháp luật có liên quan, bằng lời nói nhẹ nhàng để phân tích, giải thích cho có lý, có tình theo phương châm "đúng sai phân minh", "lý tình trọn vẹn" nhằm thuyết phục cho hai bên đi đến thỏa thuận cùng hài hòa thống nhất vui vẻ và xóa tan tranh chấp.

Từ câu chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" của bác Toản, bác Lợi cho thấy mặc dù kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, lực lượng hòa giải viên bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, bằng lòng tận tâm với công việc đã chủ động, tích cực, kiên trì tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc, đem lại sự yên vui, giữ được tình làng, nghĩa xóm trong gia đình và khu dân cư; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có 559 xã, phường, thị trấn đều đã thành lập các tổ hòa giải theo trình tự Luật Hòa giải với 4.151 tổ hòa giải, 26.909 hòa giải viên ở cơ sở. Từ năm 2013 đến nay, bình quân hằng năm các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận gần 4.000 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành chiếm hơn 82% số vụ.

Từ số liệu trên cho thấy, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, giúp người dân nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và có thể tự hòa giải để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự tại cơ sở, hạn chế đơn, thư, giảm khiếu kiện vượt cấp; tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như giúp các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp giải quyết vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và kịp thời, góp phần ổn định về an ninh chính trị, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo ý kiến của những người làm công tác hòa giải ở cơ sở, hiện tại kinh phí dành cho hoạt động hòa giải có nơi có, nơi không. Trong khi đó, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đã quy định hòa giải viên có quyền "hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải". Quy định này đã được cụ thể trong Nghị định số 15/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hòa giải cơ sở. Mức chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải): Mức tối đa 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải. Nhưng, do kinh phí của các địa phương còn hạn chế nên nguồn kinh phí chi thù lao theo vụ, việc cho hòa giải viên rất ít, thậm chí không có.

Hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nhiệt tình, sáng tạo của các hòa giải viên trong thời gian tới công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng phát huy được hiệu quả, góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

LS (theo báo Thanh Hóa)