In bài viết

'Hoa huệ Đỏ' - khúc tình ca bi hùng của những người con Đất thép Củ Chi

(Chinhphu.vn) - “Năm 1973, khi đó đơn vị của tôi - Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định về đóng căn cứ ở Củ Chi và tôi được nghe kể về câu chuyện tình này. Câu chuyện ấy đã in sâu trong tôi cho tới tận sau này. Sau giải phóng, tôi nhiều lần về Củ Chi và vẫn ấp ủ, đau đáu trong lòng rằng nhất định phải viết một bài thơ về câu chuyện tình đẹp, bi hùng ấy”.

29/07/2022 07:48
Hoa Huệ Đỏ - khúc tình ca bi hùng của những người con Đất Thép Củ Chi   - Ảnh 1.

Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược nằm trong khuôn viên Khu di tích Địa đạo Củ Chi.

Đó là một trong số những câu chuyện cũ mà nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vẫn thường kể cho lớp hậu sinh chúng tôi mỗi khi có dịp được ngồi cùng ông. Ánh mắt ông vẫn tư lự nhìn xa xăm về phía Củ Chi hay phía bờ kênh Sài Gòn nơi nhiều đồng đội của ông đã nằm lại.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, trải qua cuộc trường chinh lịch sử đau thương mà anh hùng của dân tộc, mọi nỗi đau trong quá khứ đã trở thành kỷ niệm nhưng không bao giờ lòng ông nguôi thổn thức.

Ông - một chiến sĩ cách mạng miền Nam vào sinh ra tử trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất của đất nước đã chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống, chứng kiến bao câu chuyện như những bản tình ca cảm động của những chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đã hiến dâng cuộc đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Họ đã không thể trọn vẹn lời hẹn, lời thề ngày trở về để nắm tay người thương, để hòa chung niềm vui trong khúc ca khải hoàn ngày đất nước chiến thắng.

Hoa Huệ Đỏ - khúc tình ca bi hùng của những người con Đất Thép Củ Chi   - Ảnh 2.

Hoa huệ đỏ - tượng trưng chuyện tình bi hùng của cô du kích và anh giải phóng quân ở vùng đất Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ.

“Hoa huệ Đỏ” là một bài thơ trữ tình gây nhiều ám ảnh trong số những bài thơ được xuất bản của nhà thơ Trương Hòa Bình. 

Bài thơ được thai nghén và cũng là nỗi niềm đau đáu tâm hồn ông trong 50 năm kể từ khi ông cùng đồng đội cầm súng chiến đấu ở Đất thép Thành đồng Củ Chi.

 “Tôi đi trên những con đường Củ Chi rực nắng

An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Gót Chàng (*)


Bỗng nhìn thấy những bông hoa Huệ đỏ


Lòng bồi hồi nhớ chuyện chiến trường xưa”

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mảnh đất Củ Chi đã trở thành biểu tượng cho nhân dân miền Nam anh hùng nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung. Mảnh đất ấy phải gánh chịu 5.000 cuộc hành quân càn quét của Mỹ-ngụy, hơn 500.000 tấn bom đạn Mỹ trút xuống nhằm bẻ gãy ý chí chiến đấu của quân dân Củ Chi.

“Đây Củ Chi đất thép thành đồng


Bao đau đớn dưới gót giày xâm lược


Cảnh quê hương điêu tàn trong khói lửa


Dưới đạn bom tiếng thét căm hờn


Đàn em nhỏ mẹ già nuôi uất hận


Những xác người phơi giữa cánh đồng hoang


Khắp nơi nơi lửa cháy ngập tràn


Chúng muốn diệt hết mầm non sự sống”.

Nhưng không, dù có phải hy sinh tới người lính cuối cùng thì Thành đồng Đất Thép Củ Chi vẫn hiên ngang sừng sững. Lớp người này ngã xuống sẽ có những lớp lớp người khác cầm súng đứng lên tiếp tục chống lại kẻ thù.

Suốt bốn ngàn năm lịch sử, đất nước ta đã phải tiến hành những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, bảo vệ non sông, chống lại những kẻ thù mạnh nhất thế giới. Thành đồng Củ Chi là nơi thử lửa cho ý chí chiến đấu của người dân Việt Nam. Giặc Mỹ muốn chà đạp lên sức chịu đựng của người dân nơi đây nhưng không thể hủy diệt ý chí của quân dân Củ Chi. Từ máu và nước mắt trên mảnh đất này mọc lên loài hoa huệ đỏ vẫn kiên cường bừng nở:

“Kỳ diệu thay


Có một loài hoa Huệ 


Vẫn mọc lên trên đất lửa khô cằn


Sắc hoa đỏ tựa màu máu đỏ


Màu tình yêu chung thủy sắt son”

Nếu như chuyện tình lãng mạn bi tráng của cô du kích và anh bộ đội trong bài thơ “Núi đôi” của nhà thơ Vũ Cao là tượng đài thơ ca cho tình yêu người chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp của quân dân miền Bắc thì “Hoa huệ Đỏ” là câu chuyện tình bi hùng của cô du kích và anh giải phóng quân ở vùng đất Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ. 

Hình tượng "Hoa huệ Đỏ" mang ý nghĩa của sự thủy chung lứa đôi nhưng với nhà thơ Trương Hòa Bình thì Hoa huệ Đỏ cũng chính là biểu tượng cho tình yêu thủy chung son sắt mà những người lính cách mạng dâng hiến cho quê hương đất nước mình.

 “Nếu ai hỏi về loài hoa huệ ấy


Thì hãy nghe, đây là câu chuyện kể


Về một người con gái Củ Chi


Đẹp như hoa bằng lăng tím nhu mì


Trái tim tuổi thanh xuân dào dạt


Giữa đạn bom một mối tình tươi mát


Chàng trai và cô gái yêu thương


Lời hẹn ước cùng nhau xây tổ ấm


Khi quê hương đã sạch bóng hung tàn”

Tôi tin rằng khi viết bài thơ này, người lính - nhà thơ Trương Hòa Bình mặc nhiên cho dòng cảm xúc chảy trôi trên trang giấy. Lối thơ, vần điệu nằm trong thể tự do không sắp đặt, chẳng cầu kì và đó là lời tự sự chân thành, mộc mạc. Tất cả những hình ảnh của quá khứ của những đau thương nửa thập kỉ trước hiện lên mồn một nên khi ông nhắc lại, ta cảm thấy nhói lòng:

“Ngày lại ngày qua


Giữa giăng giăng đồn bót giặc


Cô gái dân công đất thép kiên cường


(Bước chân em trải khắp dặm đường)


Vai tải đạn chiến trường góp lửa


Diệt giặc thù giải phóng quê hương”.

Vượt lên bom đạn là hình ảnh cô du kích Củ Chi và anh giải phóng quân kiên cường không lùi bước và dù có bom rơi đạn lạc thế nào thì vẫn không thể ngăn cản được tình yêu của những chàng trai - cô gái áo lính ươm mầm nảy nở:

“Rồi một hôm giặc càn dữ dội


Mặc bom rơi pháo dập đạn bay


Giữa sống chết em tìm người yêu dấu


Gặp nhau rồi giây phút vội vàng thay


Chưa kịp nói, lời yêu thương nén lại”

Tình yêu của những chàng trai - cô gái quấn khăn rằn, mặc áo xanh lính trận khi đó lại chính là tình yêu Tổ quốc thiêng liêng. Đó là sự đồng điệu của những nhà thơ-người lính cách mạng, luôn đặt tình yêu cá nhân trong tình yêu Tổ quốc. nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca Đất nước cũng đã đặt vinh quang dân tộc lên trên tình yêu cá nhân:

“Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm”.

Những lời yêu giản dị được giấu trong từng ánh mắt tới cái nắm tay không trọn vẹn:

“Trái tim em như ngọn lửa cồn cào


Bỗng loạt súng vang lên


Từ phía giặc


Viên đạn thù còn bay tới hôm nay”.

Tình yêu mới chớm nở nhưng không có gì ngăn cản được cô du kích nhỏ bé ấy vượt muôn trùng mưa bom bão đạn đến gặp người mình thương. Nhưng, bàn tay chưa kịp nắm, ánh mắt chưa kịp trao nhau thì cô gái ngã xuống hy sinh ngay trước giờ gặp mặt. Máu cô ướt đẫm chiếc khăn rằn, người cô thương chỉ biết thét lên đầy đớn đau khi người yêu ngã xuống trước mắt anh:

“Em ngã xuống Gót Chàng đất mẹ”

Bên cạnh em


Người yêu trong lửa khói bủa vây


Một tiếng thét đau dội chín tầng mây


Giọt nước mắt như máu chàng lính trẻ


Một nụ hôn vị mằn mặn xót cay”

Em ra đi rồi sao?


Nụ cười còn để lại

Và tình yêu"

Rồi đau thương ấy đã trở thành sức mạnh để người lính giải phóng quân lao lên chiến tuyến nhằm quân thù mà bắn để trả thù cho người yêu, cho những người đồng đội đã ngã xuống bởi bom đạn quân thù.

“Theo thời gian năm tháng qua đi


Chàng lính trẻ


Trở thành dũng sỹ


Anh xông pha chinh chiến nhiều nơi


Rồi một hôm xung kích công đồn


Anh lao tới ngọn cờ tay nắm chặt


Và ngã xuống trong vòng ôm đau xót


Đồng đội chờ nghe lời trăn trối sau cùng


Lá cờ đỏ


Đắp lên mộ người chiến binh yêu dấu”.

Khói hương thầm trong tĩnh lặng mênh mông

Bỗng trời đất nổi cơn giông tố


Một tiếng sấm rền vang


Hồn liệt nữ


Hoá thân vào đất mẹ


Bay vẩn vơ quanh mộ người thương


Từ đó, bạn ơi, như một sự dị thường


Quanh nấm mộ mọc lên
nhành Huệ Đỏ


Như chuyện tình chàng trai cô gái trẻ"

Những lời thơ da diết trữ tình mà bi hùng cứ thế cuồn cuộn trào dâng trong nhịp thơ tự do đã tạo nên sức hút đặc biệt của bài thơ - có đau thương nhưng lại khích lệ ý chí chiến đấu, khích lệ tinh thần yêu nước quật cường. 

Bài thơ nói về tình yêu, sự chia ly, cái chết nhưng không hề bi lụy, nhu nhược. Thứ khiến người ta nhớ tới đó là lòng căm thù, là ngùn ngụt khí thế chiến đấu, là sự hy sinh của những người con đất lửa Củ Chi, sự hy sinh của người lính giải phóng quân - những người chiến đấu tới hơi thở cuối cùng nhưng tay vẫn không buông ngọn cờ Tổ quốc. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc thấm máu đào khiến người ta nhớ tới những người lính Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng thuở nào:

 “Áo bào thay chiếu anh về đất.

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Hoa huệ Đỏ-một bài thơ trữ tình, lớp vỏ ngôn ngữ thuần Việt, từng lời thơ hào hùng, đậm chất lãng mạn anh hùng ca. Cô gái và chàng trai trẻ ấy cũng như hàng vạn người lính khác, họ đã dâng hiến tình yêu, thanh xuân cho Tổ quốc. Trong đau thương và mất mát, họ biến tình yêu thành sức mạnh chiến đấu cho ngày mai chiến thắng. Họ ngã xuống khi sức sống, nhiệt huyết vẫn đang sôi sục trong lòng. Họ ngã xuống khi tình yêu, lời nguyện thề còn dang dở, khi quê hương vẫn còn chưa sạch quân thù. Tất cả vẫn còn đang dang dở nhưng lớp người này ngã xuống sẽ có những người con yêu nước khác tiếp tục chắc tay súng dệt nên bản hùng ca của thời đại.

Những người lính cách mạng đứng lên chống giặc để bảo vệ quê hương, đất nước, để bảo vệ cha mẹ, người thân yêu. Họ đã sống, đã chiến đấu và yêu bằng tình yêu lý tưởng, tình yêu cá nhân hòa quện trong tình yêu Tổ quốc. Câu chuyện tình ấy không có tên người cụ thể bởi đó là một trong số rất nhiều câu chuyện tình trong hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện tình của những người lính đã ngã xuống trong cuộc trường chinh này.

Dù những người lính đó vô danh hay hữu danh nhưng chỉ có tên loài hoa huệ được nhắc tới một cách cụ thể như minh chứng một tình yêu đã hóa thân vào loài hoa tượng trưng cho sự thủy chung và sự tái sinh cho muôn đời sau. 

Sau đau thương sẽ là hạnh phúc, sau chiến tranh sẽ là giải phóng và độc lập tự do, là ấm no hạnh phúc. Và dù bất kể thế nào, những người lính vẫn mãi mãi bên nhau. Câu chuyện về họ sẽ được lưu danh. Tình yêu của họ hóa thân vào hồn thiêng sông núi, cho hôm nay và mãi mai sau.

(*) Gót Chàng: Tên một địa danh ở Củ Chi.

Bài thơ Hoa huệ Đỏ của nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã được nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn phổ nhạc thành ca khúc Huệ Đỏ: https://youtu.be/0Vvtri8shKE

Lê Sơn