In bài viết

Hoa Kỳ dành 1.000 tỷ USD xử lý tài sản xấu

(Chinhphu.vn) – Hoa Kỳ vừa công bố các chi tiết của kế hoạch mua lại các tài sản xấu trị giá tới 1.000 tỷ USD nhằm giúp cân đối lại các bảng quyết toán của các ngân hàng.

24/03/2009 11:08

Tài sản xấu này khiến các ngân hàng ngần ngại trong việc cho vay, dấn tới tình trạng hệ thống tài chính đóng băng và làm cho nền kinh tế càng suy thoái

“Chương trình Đầu tư Công-Tư" sẽ mua lại các tài sản thế chấp và chứng khoán “có vấn đề”.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cam kết dành cho chương trình từ 75-100 tỷ USD và cho biết khu vực tư nhân cũng sẽ tham gia đóng góp. Bộ khẳng định kế hoạch này sẽ giúp hệ thống tài chính phục hồi.

Tổng thống Barack Obama nói rằng động thái này là một bước đi quan trọng vì “có một nhân tố quan trọng hơn nữa trong quá trình phục hồi”.

Hiện các ngân hàng ở Hoa Kỳ vẫn nắm giữ nhiều tài sản thế chấp mà họ không thể định giá hoặc bán đi. Những món tài sản xấu này khiến cho họ ngần ngại trong việc cho vay, dẫn tới tình trạng hệ thống tài chính đóng băng và làm cho nền kinh tế càng suy thoái.

Kế hoạch chi tiết

Số tiền 75-100 tỷ USD sẽ được bố trí từ Chương trình Cứu trợ Tài sản xấu (Tarp) trị giá 700 tỷ USD của Bộ Tài chính đã được Quốc hội thông qua. Số tiền này được dùng để hỗ trợ Chính phủ mua lại tài sản.

Để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào chương trình, các khoản vay lãi suất thấp và các khoản bảo đảm sẽ được cung cấp cho các nhà đầu tư tư nhân thông qua Cục Dự trữ Liên bang và Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).

Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư tư nhân sẽ chịu rủi ro rất ít vì Chính phủ đã gánh vác tới 93% rủi ro.

Ban đầu, chương trình này đặt mục tiêu mua 500 tỷ USD tài sản xấu và có khả năng tăng lên tới 1000 tỷ.

"Bằng cách tạo ra một thị trường cho những loại tài sản này, chương trình sẽ giúp cải thiện giá trị tài sản, tăng năng lực cho vay của các ngân hàng, và giảm tâm lý không chắc chắn về quy mô thua lỗ trong các bảng quyết toán của ngân hàng", Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner nhận định.

Ông Geithner nói thêm rằng kế hoạch này là cần thiết vì toàn bộ hệ thống tài chính Hoa Kỳ vẫn "chưa thể phục hồi" và "nhiều ngân hàng vẫn đang gánh chịu các quyết định cho vay xấu nên ngần ngại trong việc cung cấp tín dụng".

Ông nói rằng việc khuyến khích khu vực tư nhân tham gia sẽ càng có lợi cho người nộp thuế vì rủ ro mua tài sản xấu sẽ được chia sẻ.

Phản ứng tích cực

Chứng khoản trên khắp thế giới đều tăng điểm nhờ hy vọng rằng kế hoạch này sẽ mở đường cho việc làm lành mạnh hệ thống tài chính thế giới. Dow Jones Wilshire 5000, chỉ số phản ánh gần như tất cả các loại chứng khoán giao dịch tại Hoa Kỳ, tăng 7%.

Chỉ số Dow Jones phục hồi gần 500 điểm (6,8%) tiến gần tới 7.775 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 13/2.

Trong khi đó chỉ số S&P 500 tăng 7,1% lên mức 823 điểm. Chỉ số Nasdaq kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, 23/03, với mức tăng 99 điểm, đạt 1.556 điểm. Chỉ số Russell 2000 tăng 33,61 điểm lên 433,72.

Giá dầu thô cũng tăng lên 53 USD một thùng, mức cao nhất trong gần 4 tháng qua.

Chương trình xử lý tài sản xấu sẽ gồm 3 phần chính:

- Thiết lập quan hệ đối tác công-tư để hậu thuẫn cho các nhà đầu tư tư nhân mua tài sản xấu, với sự hỗ trợ của Chính phủ lấy từ gói cứu trợ 700 tỷ USD.

- Mở rộng một chương trình mới được Cục Dữ trự Liên bang đưa ra nhằm cung cấp các khoản vay cho các nhà đầu tư mua chứng khoán nợ tiêu dùng như một cách để tăng các khoản vay mua xe hơi, các khoản vay dành cho sinh viên và nợ thẻ tín dụng.

- Sử dụng Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) để hỗ trợ mua tài sản.

Hoàng Nguyên

(tổng hợp)