In bài viết

Hỏa lực của tàu ngầm lớp Kilo

(Chinhphu.vn) - Cho đến nay, có khoảng 10 nước đã có tàu ngầm Kilo trong biên chế lực lượng hải quân. Ấn Độ là nước đầu tiên đặt mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Sau 15 năm sử dụng, giờ đây tàu ngầm Kilo 877EKM mới nâng cấp của Ấn Độ lắp đặt nhiều công nghệ tiên tiến, hiệu quả chiến đấu tăng lên mạnh mẽ.

15/05/2013 15:50

Tên lửa đối đất 3M-14E  được phóng từ tàu ngầm
Kilo là tên gọi của NATO về  lớp tàu ngầm nằm trong trong Dự án 877 dành cho hải quân khối Warszawa trước đây. Tại Nga nó mang tên gọi Dự án 877, khi xuất khẩu, nó được gọi là Dự án 636 Warshavyanka. Nước mua nhiều tàu ngầm lớp Kilo nhất là Trung Quốc. Quốc gia này đã mua tổng số 12 chiếc tàu ngầm lớp Kilo với các phiên bản khác nhau của Nga. Sau đó là Algeria, Ba Lan, Rumani, lran, Trung Quốc, lndonesia, Venezuela và Việt Nam.

Theo trang Thehindu.com, 9 tàu ngầm Sindhurakshak lớp Kilo 877EKM của Ấn Độ được đóng tại ở St.Petersburg, sau 15 năm nó được nâng cấp. Cho tới nay 4 tàu ngầm Kilo được hiện đại hóa vũ khí, trang bị, đặc biệt là khả năng tác chiến chống tàu ngầm và tên lửa hành trình.

Tăng tính đột kích

Sau khi nâng cấp, Sindhurakshak (Kilo 877EKM) sử dụng hệ thống thông tin vô tuyến CCS-MK, và hệ thống Sonar USHUS do Ấn Độ tự sản xuất.

Theo logic so sánh lực lượng cấp chiến thuật-chiến dịch, phát hiện được đối phương từ xa, xa hơn cự ly đối phương phát hiện ra mình là một lợi thế rất quan trọng của tàu ngầm. Hệ thống Sonar USHUS của Ấn Độ rất hiện đại, độ nhạy cao, trang bị bộ xử lý tín hiệu tốc độ cao, nhiều công năng giúp tàu có thể phát hiện tàu địch ở cự ly xa hơn gấp 4 lần, so với 2 loại Sonar 636MK và 636MV của các nước.

Rõ ràng giữ bí mật được vị trí của tàu trong đại dương, sẽ tăng tính đột kích, bất ngờ trong tác chiến. Khi đối phương bị tiêu diệt vẫn chưa biết đối phương bắn từ đâu tới.

Tàu còn được trang bị hệ thống thông tin vô tuyến tiên tiến CCS-MK với 2 dải sóng dài và sóng ngắn (khi lặn sử dụng sóng dài, khi nổi dùng sóng ngắn) và thông tin vệ tinh với nhiều chế độ truyền dẫn số liệu khác nhau, cho phép tàu có nhiều sự lựa chọn về mặt thông tin liên lạc. Đối phương khó dò xét tọa độ tàu hoạt động. 

Các tài liệu nước của hải quân ngoài từng bình luận về khả năng cơ động rất “êm”, không để lại dấu vết, tiếng ồn của lớp tàu Kilo mới. Đó là nhờ một loạt các giải pháp công nghệ về động cơ điện, hệ chân vịt, lớp chống dội âm kết cấu vỏ tàu…cũng góp phần quan trọng vào khả năng “giấu mình” tốt của tàu ngầm Kilo.

Hỏa lực mạnh

Lớp Kilo 877EKM của Ấn Độ được trang bị 6 ống phóng với 18 quả ngư lôi loại 533mm, 6 quả nạp sẵn trong ống phóng và 12 quả dự trữ trong hệ thống nạp tự động. Các loại ngư lôi dành cho nó là ngư lôi chống ngầm TEST-71MKE (đầu đạn thuốc nổ mạnh 205kg), ngư lôi 53-65KE (đầu đạn nặng 200kg, tầm bắn 40km, xuyên sâu xuống mặt nước 500m) và loại ngư lôi nhanh nhất thế giới VA-111 Shkval.

Ngoài ra, hệ thống phóng này cũng được dùng để rải mìn với cơ số tối đa 24 quả thủy lôi DM-1.

Khi nâng cấp cho Kilo của Ấn Độ, phía Nga cũng trang bị cho tàu này hệ thống tên lửa diệt tàu sân bay thế hệ Club-S tiên tiến nhất, bao gồm đạn tên lửa đối hạm 3M-54E1, tầm bắn 300km, (so với các tên lửa khác của các nước, chỉ đạt 220km). Điều quan trọng là đầu đạn này nặng gấp đôi (400kg), có khả năng đánh bị thương thậm chí đánh chìm tàu sân bay.

Tàu Kilo của Ấn Độ có thể mang đạn tên lửa biến thể bắn vào bờ, đảo. Loại đạn M-14E thuộc loại tiên tiến nhất, tầm bắn gần 290km. Bắn từ dưới nước, bay sát mặt sóng tiến công căn cứ trên bờ, đảo, nó còn được gọi là tên lửa hai môi trường. Trang website Arms-expo và Naval--technology cho hay, phóng bất ngờ, đột kích từ dưới mặt nước, đối phương rất khó bị phát hiện và đánh chặn.

Với các quốc gia sử dụng tàu lớp Kilo được đóng trong những năm gần đây, trên tàu có gắn hệ thống tên lửa phòng không tầm gần. Nhiều thông tin đã được tiết lộ. Đó là những tên lửa phòng không khi tàu nổi gần mặt nước, nó chống trả hữu hiệu với các máy bay trực thăng, máy bay cánh bằng, máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ thám sát, chống ngầm tại các vùng biển tranh chấp.

Về tính cơ động của tàu ngầm  lớp Kilo, so với tính cơ động của các lớp tàu ngầm khác, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân thì tàu lớp Kilo còn khiêm tốn. Tốc độ khi nổi đạt 22 km/giờ, khi lặn: 40 km/giờ. Tầm hoạt động khi có ống thông hơi: 12.000 km, khi lặn (không thông hơi)  640 km. Tuy vậy, tính cơ động được khắc phục bằng sự phối hợp tác chiến giữa các lực lượng hải quân. Nó còn tùy thuộc vào mục đích sử dụng tàu để phòng thủ hay tấn công đối phương…

Tàu ngầm lớp Kilo 636MV của Việt Nam vừa mua của Nga, về lý thuyết có thể trang bị, lắp đặt đầy đủ những trang thiết bị và vũ khí như tàu ngầm lớp Kilo 877EKM của Ấn Độ.

Tàu ngầm tác chiến không đơn độc. Tính năng kỹ thuật tiên tiến, nhưng lại được tổ chức chiến đấu hiệp đồng khôn ngoan, phối hợp tốt các lực lượng, với tàu nổi, với không quân, với lực lượng phòng thủ biển đảo khác, chắc chắn sẽ nâng cao thêm hiệu quả tính đột kích, tính hỏa lực, tính cơ động của tàu ngầm. Tàu ngầm lớp Kilo của bất cứ quốc gia nào không nằm ngoài quy luật đó.

Trần Văn (tổng hợp)