Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã ghi nhận cố gắng của Ban soạn thảo và tổ biên tập trong thời gian ngắn đã hoàn thành dự thảo lần thứ 4, đã lấy ý kiến các bộ ngành. Việc hoàn chỉnh dự thảo đảm bảo đúng quy trình.
Buổi họp tập trung thảo luận, cho ý kiến về bốn nội dung trọng tâm bao gồm: Tên dự án được đổi thành Luật xuất bản, in, phát hành để thuận lợi cho việc sửa những quy định còn bất cập; Vị trí, tính chất của hoạt động xuất bản; Đối tượng thành lập nhà xuất bản, quy trình thành lập nhà xuất bản; xuất bản phẩm điện tử...
Luật Xuất bản đã được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2005. Qua 6 năm thi hành, Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần nâng cao dân trí và đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, hiện tại nhiều quy định trong Luật Xuất bản đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của hoạt động xuất bản trong thực tiễn. Do đó việc sửa đổi Luật Xuất bản hiện hành nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động xuất bản ở Việt Nam (gồm 3 lĩnh vực: xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm) nhằm phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế. |
Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về đối tượng thành lập nhà xuất bản, vấn đề mà trong phiên họp lần trước vẫn chưa đi đến thống nhất. Luật Xuất bản sửa đổi năm 2008 mở rộng đối tượng thành lập nhà xuất bản ra tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp nhưng hiện nay theo quy định thì Nhà nước phải giữ vững sự lãnh đạo toàn diện của Đảng với hoạt động xuất bản, vốn 100% phải của nhà nước do đó nếu hội nghề nghiệp được thành lập nhà xuất bản thì không đáp ứng được yêu cầu này do không có vốn 100% của Nhà nước. Về điều kiện, quy trình thành lập nhà xuất bản của Luật xuất bản năm 2008 cũng có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về lĩnh vực Xuất bản phẩm điện tử, một lĩnh vực mới mẻ và chưa có tiền lệ tại Việt Nam.