In bài viết

Hoàn thành dứt điểm, phát huy cao hiệu quả của Dự án đường Hồ Chí Minh

(Chinhphu.vn) – Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm cân đối, bố trí nguồn vốn nhằm triển khai thực hiện dứt điểm các đoạn tuyến chưa hoàn thành của Dự án đường Hồ Chí Minh, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ để phát huy cao nhất tính hiệu quả của dự án.

06/06/2022 18:35
Hoàn thành dứt điểm, phát huy cao hiệu quả của Dự án đường Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Chiều 6/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường - Ảnh: Quochoi.vn

Họp phiên toàn thể tại Hội trường chiều 6/6, Quốc hội tiến hành thảo luận đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 năm 2004. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), đi qua 28 tỉnh, thành phố. Dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010.

Để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Hằng năm, Chính phủ đều có báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện dự án. Hiện dự án đã triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km còn lại nhằm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, gồm 3 đoạn: Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn (thuộc dự án thành phần Chợ Mới-Ngã ba Trung Sơn); Cổ Tiết-Chợ Bến (thuộc dự án thành phần Đoan Hùng-Chợ Bến); Rạch Sỏi-Bến Nhất-Gò Quao-Vĩnh Thuận.

Hoàn thành dứt điểm các đoạn tuyến còn chậm tiến độ

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Tờ trình của Chính phủ cơ bản đã bám sát nội dung Nghị quyết, tổng kết tương đối đầy đủ, toàn diện quá trình thực hiện dự án; đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện dự án trong giai đoạn tiếp theo. Các phụ lục kèm theo đã cung cấp thông tin cần thiết cho việc xem xét, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) khẳng định, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và công trình đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo, tạo các điều kiện thuận lợi cho thông thương và đi lại của nhân dân.

Tuy vậy, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) theo yêu cầu của Nghị quyết 66, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị các cơ quan chức năng bố trí nguồn vốn, thúc đẩy để dứt điểm hoàn thành các đoạn tuyến của dự án còn chậm tiến độ; đồng thời quan tâm bố trí vốn để tu sửa, bảo trì những đoạn đường thuộc dự án đã đưa vào sử dụng nhưng hiện đang bị xuống cấp cần được bảo trì, sửa chữa.

Đại biểu Trần Quang Minh mong muốn, Chính phủ cân đối, rà soát, bố trí nguồn lực để xây dựng các tuyến đường đường ngang kết nối với đường Hồ Chí Minh để Dự án đường Hồ Chí Minh phát huy hơn nữa được tính hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bảo đảm tính khả thi của dự án

Nhấn mạnh Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, mang ý nghĩa lịch sử, góp phần kết nối các vùng miền cả nước, nhất là khu vực vụng sâu, vùng xa, tuy nhiên, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, tiến độ dự án bị chậm 2 năm, nguyên nhân chậm đã được Chính phủ thẳng thắn chỉ ra như có nhiều dự án quan trọng quốc gia được thực hiện trong cùng một thời điểm nên nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khó khăn trong việc phân bổ, cân đối nguồn vốn cho dự án; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều lúc còn chưa quyết liệt và kịp thời; việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm thực hiện dự án còn có những hạn chế nhất định...

Từ đó, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Chính phủ làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, nhất là những nguyên nhân khách quan làm chậm tiến độ dự án để tập trung tháo gỡ, xử lý. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm cân đối nguồn lực, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm chỉ đạo hoàn thành các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Cũng theo đại biểu Bế Minh Đức, về chủ trương tiếp tục đầu tư tuyến đường trong giai đoạn tiếp theo cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng về nguồn lực, bảo đảm tính khả thi của dự án trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng Dự án đường Hồ Chí Minh có vị trí chiến lược quan trọng ở nhiều cấp độ và góc độ khác nhau, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của nhiều vùng miền. Hiện tuyến đường đã cơ bản được triển khai hoàn thành. Tuy nhiên kết quả thực hiện dự án còn chưa được như mong đợi. Việc giải quyết bố trí nguồn vốn, thúc đẩy tiến độ của dự án phải được thực hiện với quyết tâm chính trị cao hơn nữa, bảo đảm tuyến đường được thông toàn tuyến trong thời gian sớm nhất.

Một số ý kiến đề nghị các địa phương có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch cũng như quản lý tốt hành lang an toàn giao thông của tuyến đường này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát về giá nhiên liệu, giá vật liệu xây dựng, có các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cung cấp đủ nguồn vật tư, vật liệu cho dự án.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân vùng dự án; có đánh giá cụ thể về tác động của dự án đối với vấn đề di dân, tái định cư.

Đồng thời quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với đường Hồ Chí Minh một cách đồng bộ, kết nối hợp lý giữa đường bộ, đường thủy, đường sắt, tạo thành hệ thống giao thông vận tải thông suốt, hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bền vững hóa công trình, bảo đảo yêu cầu thoát lũ, bảo vệ các hệ sinh thái và cảnh quan môi trường; xây dựng hệ thống dịch vụ và triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội dọc tuyến để phát huy hiệu quả tổng hợp của công trình.

Cùng với đẩy mạnh tiến độ dự án, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch và có những giải pháp để mở rộng một số đoạn, tuyến của Dự án đường Hồ Chí Minh.

Trong công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông, có ý kiến cho rằng vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm và xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ của đường Hồ Chí Minh. Mặc dù mật độ dân cư còn khá thưa, lưu lượng xe lưu thông còn ít nhưng tình hình tai nạn giao thông trên tuyến cũng khá phức tạp.

Để khắc phục tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cố tình vi phạm, đồng thời tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ trên tuyến đường.

Tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt hơn

Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án đường bộ chiến lược, có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Đây là con đường đi qua các khu vực có địa hình phức tạp, khắc nghiệt về thời tiết, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm tiến độ... Các nguyên nhân chậm tiến độ đã được Chính phủ báo cáo cụ thể và Chính phủ cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, bên cạnh cân đối, bố trí nguồn lực, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt hơn để đẩy nhanh tiến độ Dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án giao thông trọng điểm khác theo các yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Hải Liên