Ông Nguyễn Công Hưng, Chánh văn phòng VEC cho biết, đơn vị và nhà thầu TASCO đã ký thỏa thuận đến ngày 31/7 phải hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) cho tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và tuyến cao tốc TPHCM–Long Thành–Dầu Giây; lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống ETC cho tuyến cao tốc Nội Bài–Lào Cai, Đà Nẵng–Quảng Ngãi.
VEC yêu cầu Nhà thầu TASCO thực hiện đúng các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý khai thác của VEC để bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến trong quá trình thi công.
Đồng thời, VEC cũng chỉ đạo Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (VECM) tăng cường nhân lực giám sát tại hiện trường để thực hiện nhiệm vụ giám sát, đôn đốc, kịp thời và báo cáo lãnh đạo VEC giải quyết các khó khăn, vướng mắc, các phát sinh trong quá trình thi công nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ theo hợp đồng đã ký, cũng như bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường của nhà thầu trong quá trình thi công tại hiện trường.
Song song với việc lắp đặt, ông Hưng cũng cho hay, tại tất cả các trạm thu phí trên cao tốc, VEC sẽ tổ chức các điểm dán thẻ ETC, kết hợp với tuyên truyền tới người tham gia giao thông trên đường cao tốc các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ, các quy định khi lưu thông qua làn ETC, chế tài áp dụng đối với người điều khiển phương tiện chưa dán thẻ ETC nhưng cố tình đi vào làn đường dành riêng thu phí ETC, hoặc chủ phương tiện có dán thẻ nhưng trong tài khoản giao thông không đủ tiền để thanh toán phí dịch vụ…
"Theo kế hoạch, hết tháng 7/2022, VEC sẽ hoàn tất việc triển khai hệ thống thu phí tự động tại 4 tuyến cao tốc quản lý", Chánh văn phòng VEC khẳng định.
Được biết, VEC được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác 5 dự án đường cao tốc gồm cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Bến Lức-Long Thành và TPHCM-Long Thành-Dầu Giây.
Trong 5 dự án nêu trên mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC (15/40 làn) từ ngày 10/6/2020, các tuyến cao tốc khác vẫn triển khai thu phí theo hình thức một dừng.
Báo cáo tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành với Bộ GTVT ngày 17/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, mặc dù Bộ GTVT liên tục đốc thúc tiến độ và quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là đến ngày 30/6/2022 phải lắp thu phí không dừng trên tất cả các trạm thu phí nhưng các trạm thu phí do VEC quản lý đang bị chậm tiến độ so với yêu cầu.
Cho rằng "VEC đã chậm trễ, không thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai lắp đặt các làn thu phí không dừng", Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với VEC cùng các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc. Đồng thời, yêu cầu VEC phải lên các phương án, bố trí nhân lực làm ngày đêm, lắp đặt ETC tại các trạm thu phí do VEC quản lý trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến việc đôn đốc tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng trên toàn quốc, Bộ GTVT vừa chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, VEC, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) và các nhà cung cấp dịch vụ triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức ETC.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu VEC chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí ETC tại các tuyến cao tốc, hoàn thành trước ngày 31/7 tới.
Trường hợp chậm tiến độ, Bộ sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, bao gồm cả việc tạm dừng thu phí.
Tổng cục Đường bộ chỉ đạo, phối hợp với VEC trong quá trình triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các tuyến cao tốc do VEC quản lý, bảo đảm tiến độ, kết nối liên thông.
Đối với VIDIFI, yêu cầu tiếp tục thí điểm chỉ thu phí không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Trong đó, cần lưu ý đặc biệt đến tuyên truyền, xử lý tình huống, điều tiết giao thông, cảnh báo từ xa để hạn chế các phương tiện không đủ điều kiện đi vào tuyến cao tốc, gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông.
Liên quan đến nâng tỷ lệ dán thẻ, Bộ GTVT yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tuyên truyền và tăng chất lượng dịch vụ để đẩy mạnh việc này, phấn đấu đến tháng 9 tới đạt 80-90% số lượng phương tiện trên toàn quốc dán thẻ và sử dụng dịch vụ.
Tổng cục Đường bộ chỉ đạo, hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ trong quá trình tăng cường dán thẻ, mở rộng dịch vụ để đạt được mục tiêu tỷ lệ phương tiện dán thẻ trên theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Đối với tiến độ lắp thu phí không dừng tại các làn thu phí còn lại, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các nhà đầu tư BOT do Bộ GTVT quản lý và phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai lắp đặt các làn thu phí còn lại tại các trạm thu phí bảo đảm chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp tại mỗi chiều xe chạy, hoàn thành trước ngày 30/6 tới. Xem xét tạm dừng thu phí đối với các trạm triển khai chậm tiến độ.
Theo Tổng cục Đường bộ, đến hết tháng 5 vừa qua, số lượng phương tiện đã được dán thẻ đầu cuối trên toàn quốc là gần 3 triệu phương tiện, đạt tỷ lệ hơn 65%, tăng hơn 648.000 phương tiện so với thời điểm ngày 31/12/2021.
Hiện còn 48 làn ETC thuộc các trạm do Bộ GTVT quản lý (không tính 12 làn thuộc tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình do VEC quản lý) và 52 làn ETC thuộc các trạm do địa phương quản lý cần phải lắp đặt.
Tổng cục Đường bộ sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ phương tiện dán và sử dụng dịch vụ, phấn đấu đến tháng 9 năm 2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí ETC.
Phan Trang