Bộ Xây dựng cũng phải khẩn trương hoàn thành danh mục các dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn (cho đô thị và khu vực nông thôn); rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi; nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, Bộ Xây dựng tiến hành khảo sát mô hình quản lý rác thải nông thôn tại một số nước; nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý rác thải xã, liên xã ở khu vực nông thôn tại Việt Nam; nghiên cứu áp dụng công nghệ lò đốt rác quy mô nhỏ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, phục vụ phạm vi liên xã.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn đang áp dụng tại Việt Nam (kể cả công nghệ trong nước và công nghệ nước ngoài); đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I/2013.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá việc thu, quản lý và sử dụng phí vệ sinh tại các địa phương; hoàn thiện các quy định, cơ chế về phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn bảo đảm thu hồi chi phí thu gom, vận chuyển và từng bước bù đắp chi phí xử lý chất thải rắn, thu hồi vốn đầu tư.
Thời gian qua, một số đô thị đã thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn. Việc xã hội hoá công tác xử lý chất thải rắn đã được triển khai thực hiện ở một số nơi, tạo môi trường cho các doanh nghiệp có điều kiện tham gia.
Mặc dù vậy, công tác quản lý chất thải rắn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội do công tác lập, phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn còn chậm. Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Vệ sinh môi trường nhiều đô thị chưa bảo đảm; rác thải đổ bừa bãi, nhất là khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom thấp.
Quốc Hà