In bài viết

Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp

(Chinhphu.vn) – Sáng 30/11, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp”.

30/11/2022 10:30
Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp - Ảnh 1.

Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp” - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi; Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du; Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Doãn Tiến; Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) Bùi Ngọc Quý đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của gần 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý…

Ban Tổ chức cho biết hội thảo nhằm góp phần tuyên truyền một cách sâu rộng chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về công tác xã hội nói chung và công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng. Qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp.

Tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu nhận định, công tác xã hội là nhiệm vụ chính trị quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo nhằm bảo đảm an sinh và công bằng xã hội. 

Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp là một phần của công tác xã hội, góp phần đa dạng hoá các lĩnh vực trợ giúp xã hội, nâng tính chuyên nghiệp của nghề công tác xã hội và đề cao sự tôn trọng của xã hội đối với nghề công tác xã hội, nhất là công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp.

Xét về bản chất, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp là những hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người vi phạm pháp luật, người phạm tội, người bị hại, người bị kết án, người trong quá trình chấp hành án và người đã chấp hành xong hình phạt; người được trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn trong các vụ việc về lao động, việc làm, người có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế… 

Đây là các đối tượng có liên quan đến hệ thống tư pháp nên họ cần được sớm tiếp cận với hệ thống tư pháp công bằng, minh bạch, bình đẳng, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành chức năng, nhất là Bộ LĐTB&XH, Bộ Tư pháp, Bộ Công an... đã từng bước tham mưu hoàn thiện các văn bản pháp quy về công tác xã hội để trợ giúp các đối tượng như: Người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, người chưa thành niên, người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được quy định rõ ràng, hoàn chỉnh. Nhiều văn bản pháp luật quy định về công xã hội có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là nghị định và thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.

Về cơ bản, pháp luật quy định trong các lĩnh vực có liên quan đến công tác xã hội rất đa dạng, phong phú, nhưng trong lĩnh vực tư pháp còn khoảng trống, rải rác, đan xen, thiếu đồng bộ và bất cập trong quá trình triển khai...

Từ sự phân tích và nhận định nêu trên, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung phân tích, thảo luận về các nội dung liên quan đến: Cơ sở lý luận và chính trị - pháp lý, làm rõ nội hàm công tác xã hội và thực trạng công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp thời gian qua, trong đó nhấn mạnh những huận lợi, khó khăn, kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra hiện nay về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp.

Các đại biểu cũng nêu nhiều kiến nghị về hoàn thiện chính sách pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; các giải pháp truyền thông phổ biến cùng giải pháp tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các tầng lớp nhân dân về công tác xã hội nói chung, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng…

Nguyễn Hoàng