Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 8/11, Quốc hội nghe Chính phủ trình dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, công nghiệp quốc phòng (CNQP), công nghiệp an ninh (CNAN) và động viên công nghiệp (ĐVCN) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng được thể hiện trong các văn kiện chính trị.
Hiện nay, cơ sở pháp lý chung điều chỉnh lĩnh vực CNQP, CNAN và ĐVCN cao nhất là Hiến pháp 2013 (Điều 14, Điều 68), Luật Quốc phòng 2018, Luật Công an nhân dân và các Luật chuyên ngành khác. Cơ sở pháp lý trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực CNQP là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực ĐVCN là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, điều chỉnh lĩnh vực CNAN là Nghị định số 63/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào tầm Luật điều chỉnh trực tiếp về CNQP, an ninh (AN) và ĐVCN để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, nhất là luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển CNQP, AN; đồng thời để thống nhất với các Luật ban hành trong thời gian qua quy định về vấn đề này như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quy hoạch, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… Do đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật để điều chỉnh những quy định về CNQP, CNAN và ĐVCN đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, mục đích xây dựng Luật là nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của CNQP, CNAN; phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của CNQP, CNAN và ĐVCN trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở CNQP, cơ sở CNAN phù hợp đặc thù CNQP, CNAN, ĐVCN và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CNQP, CNAN và ĐVCN.
Đồng thời, huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học - công nghệ tham gia đầu tư phát triển CNQP, AN và thực hiện nhiệm vụ ĐVCN, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế...
Dự thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN gồm 7 chương và 73 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN tập trung vào 5 chính sách nổi bật đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, gồm: Chính sách 1 - Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động CNQP, CNAN. Chính sách 2 - Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN. Chính sách 3 - Thúc đẩy hoạt động Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển CNQP, CNAN. Chính sách 4 - Huy động nguồn lực cho phát triển CNQP, CNAN. Chính sách 5 - Bảo đảm hiệu quả hoạt động ĐVCN.
Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh, UBQPAN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển CNQP, AN và ĐVCN; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP (năm 2008), 20 năm thực hiện Pháp lệnh ĐVCN (năm 2003) và thực tiễn phát triển CNAN từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay (Nghị định số 63/2020/NĐ-CP, ngày 8/6/2020 của Chính phủ quy định về CNAN), bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc thời bình và thời chiến.
UBQPAN nhấn mạnh, CNQP, AN và ĐVCN có vị trí, vai trò rất quan trọng trong thực hiện các chiến lược về quốc phòng, quân sự, an ninh quốc gia; xây dựng thế trận, tiềm lực quốc phòng, an ninh, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Việc xây dựng Luật đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt cũng như lâu dài nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
UBQPAN đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn các căn cứ về chính trị, pháp lý, thực tiễn; đặt CNQP, AN, ĐVCN trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia và cả nền kinh tế trước yêu cầu xây dựng, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước để phân tích, đánh giá toàn diện, làm rõ hơn về sự cần thiết ban hành Luật.
UBQPAN cho biết, hồ sơ dự án Luật Chính phủ trình cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhiều nội dung được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đủ điều kiện báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến, nhưng cần tiếp tục rà soát, bổ sung những vấn đề nêu trên.
UBQPAN khẳng định, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.
Bố cục của dự thảo Luật với 7 chương và 73 điều cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số nội dung, chính sách giữa các chương, mục còn trùng lắp hoặc tản mạn như: Các quy định về cơ chế, chính sách ở mục 3 của Chương II với các cơ chế, chính sách ở Chương IV; một số quy định về điều kiện hoạt động, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp huy động cho CNQP, AN (Điều 24 và Điều 25) nên đưa về Mục tổ chức và hoạt động của CNQP, AN; nhiều quy định (về thanh toán, mức thù lao, quản lý đề tài, tạm ứng kinh phí, việc thành lập các Ban Chủ nhiệm đề tài, hội đồng liên ngành…) chủ yếu quy định về quy trình, thủ tục, nên đề nghị nghiên cứu quy định khái quát và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Hải Liên