In bài viết

Hoàn thiện cơ chế, tăng chất lượng kiểm toán các dự án EPC

(Chinhphu.vn) – Ngày 2/11, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC".

02/11/2022 18:26
Hoàn thiện cơ chế, tăng chất lượng kiểm toán các dự án EPC - Ảnh 1.

Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Hợp đồng tổng thầu EPC/ hợp đồng EPC là hợp đồng tổng thầu thiết kế-cung cấp thiết bị công nghệ-thi công xây dựng. Hợp đồng EPC tận dụng được trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà thầu, phù hợp với phát triển của khoa học công nghệ và quản lý xây dựng, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Trong các loại hợp đồng xây dựng thì Hợp đồng EPC có nhiều ưu thế đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho nhà thầu và chủ đầu tư, cho phép tận dụng được trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án, gói thầu nên được áp dụng rộng rãi nhất trong quản lý dự án đầu tư xây dựng ở các nước phát triển.

Theo Phó Tổng KTTN Hà Thị Mỹ Dung, hiện nay việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC đã được thực hiện tại nhiều dự án, nhất là những dự án có yêu cầu về công nghệ cao.

Tuy nhiên, thực tế việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn bất cập, cơ chế chính sách liên quan chưa cụ thể hoặc chồng chéo khiến việc thực hiện các hợp đồng này còn nhiều khó khăn, các chủ đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều dự án chậm tiến độ, công nghệ lạc hậu nên các dự án đầu tư theo hình thức EPC chưa phát huy được các lợi ích vốn có của hình thức này, cụ thể:

Thứ nhất, cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện theo mô hình EPC còn bất cập, thiếu các quy định về điều kiện để dự án đầu tư được thực hiện theo mô hình này.

Thứ hai, nhiều nhà thầu trong nước còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý hợp đồng EPC, đặc biệt đối với các dự án mới, công nghệ cao.

Thứ ba, nhiều dự án theo hình thức hợp đồng EPC không đảm bảo tiến độ, chi phí hợp đồng phát sinh tăng, không hoàn thành dự án, không thanh quyết toán được hợp đồng.

Thứ tư, dự án EPC do tổng thầu nước ngoài thực hiện rơi vào tình trạng phụ thuộc công nghệ nước ngoài, không phát triển được sản xuất vật tư, hàng hóa trong nước.

Thứ năm, công tác giám sát, quản lý các dự án thực hiện theo hình thức EPC của nhà nước còn hạn chế.

Những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức EPC. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, việc thực hiện hợp đồng EPC có thể đối mặt với tình trạng các điều khoản trong hợp đồng có thể được các bên hiểu và vận dụng khác nhau, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ và chất lượng công trình, đội vốn đầu tư... thậm chí phá vỡ hợp đồng. 

Các ý kiến phát biểu tại hội thảo nhấn mạnh đến vai trò của kiểm toán với các dự án EPC và hy vọng cơ chế, chính sách sớm được hoàn thiện để phát huy ưu thế và hiệu quả, đồng thời nâng cao chất lượng và tiến độ kiểm toán các dự án EPC.

Đại diện KTNN nêu một số kiến nghị, định hướng kiểm toán các dự án theo hình thức hợp đồng EPC thời gian tới như:

Lựa chọn kiểm toán dự án theo phương pháp đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, gắn với định hướng mục tiêu kiểm toán dự án, nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền (kiểm toán dự toán gói thầu, kiểm toán khi hợp đồng EPC đang triển khai thực hiện, kiểm toán dự án hoàn thành...). Đặc biệt lưu ý tới đặc điểm, ưu điểm, nhược điểm, điều kiện tiếp cận khi đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán.

Các đơn vị thuộc KTNN được giao nhiệm vụ khi thực hiện phải tuân thủ quy định kiểm toán gói thầu theo hợp đồng EPC, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng kiểm toán dự án đầu tư xây dựng nói chung và kiểm toán gói thầu EPC nói riêng.

Hoàn thiện cơ chế, tăng chất lượng kiểm toán các dự án EPC - Ảnh 2.

Hội thảo "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC" - Ảnh: VGP/HT

Trong quá trình kiểm toán, các thành viên Đoàn kiểm toán cần tuân thủ đúng kế hoạch, chuẩn mực, quy trình và các quy định chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán, các quy định nghiệp vụ khác và pháp luật có liên quan. 

Quá trình thực hiện cần tập trung nhiều thời gian, công sức vào các trọng tâm kiểm toán đã được xác định, thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp để làm cơ sở cho việc hình thành các ý kiến và kết luận kiểm toán. 

Khi đưa ra ý kiến và kết luận kiểm toán cần lưu ý căn cứ cụ thể phạm vi công việc, điều kiện ràng buộc, trách nhiệm của các bên trong hợp đồng EPC, các trường hợp rủi ro tranh chấp, kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, tăng cường kiểm toán hoạt động để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng EPC; bên cạnh kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ cần quan tâm kiểm toán đánh giá, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế chính sách về hợp đồng EPC, bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, bao quát đầy đủ các trường hợp có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát của các đơn vị được giao nhiệm vụ; đề cao vai trò của thủ trưởng đơn vị gắn với trách nhiệm quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, kiểm toán viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Kịp thời tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm qua mỗi cuộc kiểm toán, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho các cuộc kiểm toán khác.

Anh Minh