![]() |
Ảnh minh họa |
Theo Luật sư Võ Nhật Thăng-Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 (BLHHVN) đã dần tiếp cận với các chuẩn mực của quốc tế, góp phần tích cực vào việc phát triển ngành hàng hải Việt Nam.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển ngày càng phát triển kéo theo các quy phạm và chế định pháp luật thuộc lĩnh vực này ngày càng đa dạng và phức tạp.
Việc rà soát, đánh giá các vấn đề tồn tại của BLHHVN cần tập trung vào các quy định về địa vị của các chủ thể, vấn đề đăng kiểm tàu biển, vấn đề về bắt giữ tàu biển và các các quy định về thuyền viên….
Hiện nay các vấn đề liên quan đến thuyền viên được quy định tại nhiều văn bản khác nhau. Tuy nhiên, một số quy định pháp luật lại chưa thống nhất trong các vấn đề liên quan đến mức lương, chế độ bảo hiểm, thời giờ làm việc... Mặt khác, những quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thuyền viên chưa có tính đặc thù phù hợp, đặc biệt đối với các thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam ở nước ngoài, nên chưa khuyến khích được lực lượng lao động tham gia lĩnh vực này.
Một số vướng mắc được các DN chỉ ra đó là các quy định về thẩm quyền giải quyết hàng hải. Theo đại diện các DN, thực tế “vận đơn” (hợp đồng) quy định thẩm quyền giải quyết của tòa án của nước nơi tàu mang cờ quốc tịch là hoàn toàn thuộc quyền thỏa thuận tự do hợp đồng của các bên. Do vậy, nên sửa đổi quy định này theo hướng quy định chi tiết cụ thể hơn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của DN.
Theo bà Nguyễn Thu Hường, Công ty cổ phần Vận tải Biển Bắc, quy định về vấn đề đảm bảo tài chính cho yêu cầu bắt giữ tầu biểu còn rất nhiều bất cập, theo quy định hiện nay để thực hiện việc bắt giữ tàu biển, người yêu cầu bắt giữ phải bảo đảm tài chính theo hình thức và giá trị do tòa án quy định tương đương với thiệt hại có thể phát sinh do việc yêu cầu bắt giữ tàu biển. Nhưng trên thực tế ở Việt Nam hầu như chưa có trường hợp nào bị bắt giữ do thực tế giá trị tàu thường lớn (vài triệu USD) nên không thể có khoản đặt cọc nào được thực hiện đầy đủ dù phía yêu cầu bắt giữ đã xuất trình đủ các tài liệu chứng minh quyền lợi của mình bị xâm hại.
Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay còn một số điều ước quốc tế mà Việt Nam chưa tham gia, điều này dẫn đến nhiều vụ việc xảy ra chúng ta không có đủ hành hành lang pháp lý để xử lý trong đó đặc biệt là các vấn đề về an toàn hàng hải, môi trường, lao động hàng hải. Ông Hải cho rằng với trên 1.500 tàu biển Việt Nam đang hoạt động trên thế giới việc còn nhiều điều ước mà chúng ta chưa gia nhập sẽ gây khó khăn nhiều cho số tàu biển này.
Một vấn đề nữa cũng được ông Hải lưu ý đó là trong thời gian gần đây một số tàu biển Việt Nam bị lưu giữ do nguyên nhân về tình trạng kỹ thuật đã gây thiệt hại cho đội tàu biểu của Việt Nam, nhiều DN vận tải phản ánh việc không công tâm của cảng vụ nước ngoài, do đó cần sớm có những giải pháp giúp đỡ cho các DN.
Theo bà Trần Thị Hải Yến, Phó trưởng Ban Pháp chế, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) một số vấn đề mà hiện chưa được quy định trong BLHHVN hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng cần phải sớm bổ sung như vấn đề về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu biển, quy tắc xác định tổn thất và bồi thường thiệt hại trong tai nạn đâm va tàu biển.. cũng như nâng cao vai trò và chất lượng xét xử các vụ án chuyên ngành về hàng hải nhằm giúp cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển trong trong thời gian tới.
Văn Chính