Ngày 17/5, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo giới thiệu dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn-Quốc phòng nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã bổ sung dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo kế hoạch, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến lần thứ nhất đối với dự án Luật tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình Quốc phòng và khu quân sự gồm 6 Chương, 34 Điều. Dự án Luật được xây dựng dựa trên 4 nhóm chính sách.
Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về xác định phạm bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 2: Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 3: Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 4: Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và địa bàn khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã qua 28 năm thực hiện. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí cao sự cần thiết phải xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa. Dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến - Ủy viên Ban soạn thảo dự án Luật, quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Quốc phòng thành lập Ban soạn thảo gồm 36 đồng chí, do Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban. Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu là cơ quan thường trực soạn thảo đã chủ trì phối hợp với nhiều cơ quan cấp chiến lược trong Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện.
Ban soạn thảo đã tổ chức khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lấy ý kiến tham gia của 48 bộ, ngành, địa phương, của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong nước về dự án Luật.
Thiếu tướng Lưu Quang Vụ cho biết thêm: "Khái niệm công trình quốc phòng và khu quân sự được giải thích trong dự thảo luật như sau: Công trình quốc phòng là công trình kiến trúc, vật thể, địa hình địa vật tự nhiên, có sẵn hoặc được xây dựng, cải tạo cho hoạt động quân sự, quốc phòng. Khu quân sự là khu vực được giới hạn bởi ranh giới trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không được thiết lập xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự".
Theo Bộ Quốc phòng, thực tiễn cho thấy, qua các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới gần đây, bên cạnh các yếu tố về lực lượng và vũ khí trang bị tham gia chiến tranh thì các công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong tác chiến phòng thủ.
Từ những lý do trên, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của Pháp lệnh; đồng thời, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phương Liên