In bài viết

Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật

(Chinhphu.vn) – Sáng 2/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm chuyên gia một số nội dung phục vụ việc xây dựng chuyên đề hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

02/11/2021 13:10

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng 4 chuyên đề.

Đó là các chuyên đề: Chiến lược lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Về tiến độ thực hiện, đến nay, Đảng đoàn Quốc hội đã gửi Ban chỉ đạo Trung ương chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN”.

Chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đã hoàn thiện, sẽ được Đảng đoàn Quốc hội nghiệm thu vào ngày 3/11.

Hai chuyên đề còn lại đang được tích cực triển khai để nghiệm thu trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là lĩnh vực rất phức tạp. Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chiến lược định hướng xây dựng pháp luật trong 5 năm và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về Chiến lược này. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện chỉ quy định về chương trình xây dựng pháp luật hằng năm. Chiến lược đã xác định 137 nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong giai đoạn 5 năm tới.

Nêu rõ, đây là định hướng lớn, làm căn cứ triển khai chương trình xây dựng pháp luật hằng năm mang tính chủ động, bao quát hơn, khắc phục tình trạng "cái cần thì chưa có, cái có lại chưa cần thiết", Chủ tịch Quốc hội cho biết vào sáng 3/11, Đảng đoàn Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai nội dung này.

Tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các chuyên gia cho ý kiến vào 3 vấn đề: Về định hướng thống nhất nội hàm một số khái niệm; nguyên tắc yêu cầu với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật; mục tiêu, phương hướng, giải pháp xây dựng hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Đóng góp ý kiến về nội hàm một số khái niệm, nguyên tắc trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, mục tiêu, giải pháp xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, các đại biểu cho rằng việc xây dựng chuyên đề lần này cần có tính kế thừa và phát triển chủ trương định hướng, văn bản trước đây, nhất là Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 25/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Nhấn mạnh mối quan hệ giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, các đại biểu đề nghị trong chuyên đề, bên cạnh việc phân tích cần đưa ra được định hướng, giải pháp nhằm khắc phục tình trạng cắt khúc giữa xây dựng và thi hành pháp luật, như thiếu sự kiểm soát khi ủy quyền lập pháp dẫn đến tình trạng văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật lại có những nội dung khác luật, vượt quá phạm vi luật cho phép hướng dẫn chi tiết, quy định cụ thể, thậm chí trái luật, cùng với đó là việc chậm trễ về tiến độ ban hành dẫn đến luật chậm đi vào cuộc sống; nhiều văn bản thiếu sự thống nhất...

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn các chuyên gia tiếp tục đồng hành, đóng góp, phát huy kinh nghiệm, trí tuệ để góp phần xây dựng thành công các chuyên đề này cũng như trong các hoạt động của Quốc hội nói chung./.

Nguyễn Hoàng