Bộ Công Thương cho biết, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP được đánh giá là văn bản pháp lý xương sống cho hoạt động điều tra và ứng phó đối với lĩnh vực phòng vệ thương mại (PVTM) của Việt Nam, đánh dấu bước chuyển biến về nhận thức và mối quan tâm về chính sách thương mại của Chính phủ trong tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế.
Đặc biệt, đối mặt với giai đoạn chiến tranh thương mại toàn cầu gay gắt, nhiều rủi ro và thách thức trong hoạt động xuất nhập khẩu, việc ban hành Nghị định số 10/2018/NĐ-CP là một chủ trương đúng đắn, phù hợp bối cảnh thương mại quốc tế, góp phần tạo lập hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch cho công tác điều tra PVTM, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia, đồng thời thúc đẩy sự lớn mạnh của các ngành sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp khi chúng ta tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Tuy nhiên, sau gần 07 năm thực thi Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:
- Một số quy định tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP chưa hoàn toàn tương thích với các quy định của Luật Quản lý ngoại thương và quy định của WTO;
- Kết cấu của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đối với cả 03 biện pháp PVTM (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) chưa hoàn toàn phù hợp;
- PVTM là lĩnh vực còn tương đối mới ở Việt Nam nên quy định tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP chưa bao quát được toàn bộ các tình huống phát sinh trên thực tế, đặc biệt là vấn đề chống lẩn tránh các biện pháp PVTM.
Những hạn chế, bất cập của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đã gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của việc điều tra, áp dụng hoặc ứng phó với các biện pháp PVTM trong thời gian qua.
Do đó, cần ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP nhằm thống nhất các quy định trong các văn bản pháp luật PVTM, sửa đổi các quy định chưa hợp lý, bổ sung các quy định còn thiếu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật PVTM và tạo thuận lợi cho quá trình thực thi.
Dự thảo Nghị định bao gồm những nội dung cơ bản sau:
a- Các quy định chung và quy định về điều tra, áp dụng và rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Quy định về hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Quy trình xử lý, chọn mẫu doanh nghiệp khi tiến hành điều tra.
Quy định về việc ban hành, công bố kết luận điều tra sơ bộ, kết luận điều tra cuối cùng.
b- Các quy định về điều tra, áp dụng và rà soát việc áp dụng biện pháp tự vệ.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về quy trình thủ tục điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP; quy định rõ nội dung đối với hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ.
Quy định rõ việc xác định thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
c- Các quy định về điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, quy trình thủ tục điều tra, rà soát hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.
Sửa đổi, bổ sung quy định về việc xác định hàng hóa thuộc đối tượng điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM.
Quy định về quy trình, thủ tục điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM và rà soát hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM.
d- Các quy định đối với xử lý biện pháp PVTM áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Hiển