In bài viết

Hoàn thiện kịch bản thu bảo hiểm xã hội

(Chinhphu.vn) – 2 tháng đầu năm, công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) ước tăng 2,49% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, 55 BHXH địa phương đã xây dựng kịch bản công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2024.

04/03/2024 16:54
Hoàn thiện kịch bản thu bảo hiểm xã hội- Ảnh 1.

Cả nước có 17,69 triệu người tham gia BHXH, tăng 3,23% so với cùng kỳ năm 2023

Theo báo cáo tổng hợp của BHXH Việt Nam, qua 2 tháng đầu năm, cả nước có 17,69 triệu người tham gia BHXH, tăng 3,23% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó gồm 16,12 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 1,56 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; 90,15 triệu người tham gia BHYT, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2023.

Thu BHXH, BHYT ước tăng 2,49% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế đến hết tháng 2 có 10.392 người được giải quyết chế độ BHXH hằng tháng; 939.139 lượt người hưởng chế độ ốm đau; 218.376 lượt người hưởng chế độ thai sản; 108.830 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 27,39 triệu lượt KCB BHYT với số chi tăng 17,35%.

Tại Hội nghị triển khai công tác của BHXH Việt Nam ngày 4/3, Ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cho biết, nắm bắt tình hình tại 10 địa phương có tỷ trọng công nghiệp lớn cho thấy, khả năng mở rộng lao động trong các đơn vị sử dụng lao động được dự báo khá hạn chế; riêng lĩnh vực dệt may, da giày... nhu cầu tuyển dụng không cao, dẫn đến việc phát triển BHXH bắt buộc gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, tác động đến việc vận động, tăng mới số tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Hiện có 55 BHXH địa phương xây dựng kịch bản công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2024 và Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đang tích cực rà soát, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai nội dung này.

Ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cũng cho biết, Ban Thực hiện chính sách BHYT đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế hoàn thiện dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), tập trung vào các nội dung liên quan đến giá dịch vụ y tế, phân tuyến, hạng cơ sở khám chữa bệnh...

Hiện, các quy định liên quan đến mở rộng diện bao phủ cũng đang được nghiên cứu xây dựng (liên quan đến quy định mức đóng BHYT hộ gia đình, bổ sung thêm các nhóm đối tượng khác...).

Theo ông Lê Văn Phúc, chi phí KCB BHYT năm 2024 có xu hướng gia tăng, 2 tháng đầu năm đã tăng khoảng 11%. Do đó, BHXH Việt Nam cần chỉ đạo triển khai tốt công tác quản lý chi phí KCB, để đảm bảo mục tiêu cân đối quỹ ngay từ đầu năm.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, toàn ngành đã và đang triển khai tốt và đều các mặt công tác. Đặc biệt, đảm bảo đầy đủ quyền lợi BHXH, BHYT; chăm lo an sinh cho người dân trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán; các chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia cũng đều gia tăng so với cùng kỳ năm 2023…

Tuy nhiên, khó khăn, áp lực vẫn còn nhiều, đòi hỏi các đơn vị cần quyết liệt triển khai các giải pháp để đảm bảo tiến độ thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao như: xây dựng, hoàn thiện kịch bản thu, phát triển người tham gia; phát huy mạnh mẽ vai trò Ban chỉ đạo các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu…

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục chủ động phân tích thực tiễn; phối hợp với các đơn vị chuyên môn của bộ, ngành liên quan xây dựng các quy định về BHXH, BHYT hợp lý, khoa học, nhằm mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục hoàn thiện các phần mềm, thúc đẩy thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ; đảm bảo quản lý chi khám chữa bệnh BHYT; phát huy hiệu quả thanh tra của cơ quan BHXH địa phương.

Thu Cúc