Quang cảnh phiên họp chiều 15/9 của UBTVQH. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày đánh giá Báo cáo của Chính phủ cơ bản đã phản ánh khá toàn diện về tình hình, nguyên nhân chính phát sinh khiếu nại, tố cáo; những chuyển biến tích cực cũng như những hạn chế, tồn tại trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian từ ngày 1/8/2016-1/8/2017, đồng thời đề ra một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Báo cáo chưa tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc về kết quả và chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; một số nguyên nhân, giải pháp còn chung chung; kiến nghị còn ít; những bất cập trong thực tiễn giải quyết tố cáo chưa gắn với việc nghiên cứu sửa đổi Luật Tố cáo;...
Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan rà soát những tồn tại, bất cập của chính sách pháp luật nhất là pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, thực hiện chính sách an sinh xã hội và một số lĩnh vực khác có phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung góp phần giảm các vụ việc khiếu nại, tố cáo...
Tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao trực tiếp làm công tác liên quan đến lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo.
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Trưởng Ban công tác đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy đề nghị các báo cáo làm rõ hơn nữa nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tránh nêu những nguyên nhân mang tính chung chung giống báo cáo của các năm trước, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục những vấn đề làm phát sinh khiếu nại, tố cáo; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.
Một số ý kiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm túc việc rà soát và lập danh sách các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài để quyết tâm giải quyết dứt điểm; tăng cường phối hợp để nắm bắt kịp thời và xử lý các tình huống phức tạp, dễ phát sinh thành điểm nóng; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo;...
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề xuất cần tiếp thục hoàn thiện chính sách pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo; tránh tình trạng có những vụ việc đã được giải quyết thỏa đáng theo đúng pháp luật nhưng người khiếu nại vẫn đi khiếu nại theo kiểu “cầu may”; khiếu nại không có điểm dừng. Đồng thời, cũng cần có các quy định chặt chẽ, không để tình trạng cơ quan nào cũng có quyền nhận đơn và chuyển đơn, cơ quan nào cũng là "cái thùng chuyển đơn khổng lồ".
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định UBTVQH cơ bản đồng tình với nội dung các Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ, TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Tuy nhiên, các báo cáo cần phải tiếp tục được rà soát, hoàn thiện để bảo độ chính xác hơn, kỹ hơn giữa số liệu cũng như các nhận định đánh giá.
Nguyễn Hoàng