In bài viết

Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tương lai

(Chinhphu.vn) - Ngày 4/4, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo khoa học về hoàn thiện pháp luật bảo đảm sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai trong bối cảnh cam kết của Việt Nam theo các hiệp định EVFTA và CPTPP.

04/04/2023 16:10
Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tương lai - Ảnh 1.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Lê Hải Đường phát biểu tại Hội thảo.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Lê Hải Đường điều hành Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu nêu rõ, Luật Thương mại năm 2005 đã dành một mục tại Chương II quy định về các giao dịch hàng hóa tương lai diễn ra trên thị trường tập trung. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng có một số quy định về thanh toán, chuyển tiền trong việc phát hành, buôn bán hoặc mua bán hàng hóa trong tương lai.

Thực hiện quy định của các văn bản quy phạm pháp luật và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là khi Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) được Bộ Công Thương cho phép liên thông với các Sở Giao dịch quốc tế, thị trường giao dịch hàng hóa trong nước đã được vận hành một cách ổn định, bền vững, có một số bước phát triển đột phá trong những năm gần đây. Khối lượng giao dịch duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định hằng năm, giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất khu vực. Giao dịch liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch lớn nhất trên thế giới, diễn ra 24 giờ mỗi ngày từ sáng thứ Hai đến sáng thứ Bảy hằng tuần, nhưng không xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, do được ban hành từ khá lâu, trong khi thị trường giao dịch hàng hoá tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã có những bước phát triển mạnh, nên một số thuật ngữ, khái niệm, loại hợp đồng cơ bản có tính chất chi phối hoạt động này, về chức năng sở giao dịch hàng hóa… tại Luật Thương mại chưa được đề cập hoặc đã không phù hợp với thực tiễn. 

Bên cạnh Luật Thương mại, giao dịch hàng hóa trong tương lai cũng được điều chỉnh bởi một số luật chuyên ngành khác nhưng nhìn chung quy định chưa rõ, chưa cụ thể, chưa theo kịp sự phát triển của giao dịch hàng hóa hiện nay. Do vậy, các đại biểu đánh giá cao việc Viện Nghiên cứu lập pháp triển khai Đề tài khoa học cấp bộ "Hoàn thiện pháp luật bảo đảm sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tương lai trong bối cảnh cam kết của Việt Nam theo các hiệp định EVFTA và CPTPP".

Các đại biểu cũng đề nghị, cần đánh giá đúng vai trò, những lợi ích của thị trường hàng hoá tương lai, từ đó có chủ trương ủng hộ sự phát triển thị trường này. Sớm tổng kết thực tiễn thi hành các luật hiện hành, nghiên cứu kinh nghiệm tương đồng trên thế giới để sửa đổi hiệu quả Luật Thương mại và các luật liên quan. 

Chú trọng kiện toàn tổ chức quản lý nhà nước đối với hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa theo hướng quản lý có đầu mối, tập trung ở một cơ quan có đủ thẩm quyền, điều kiện thực hiện. Tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này.

Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tương lai - Ảnh 2.

Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam Vũ Thu Thủy phát biểu.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Vũ Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết: "Thời gian qua, hoạt động của thị trường giao dịch hàng hóa nhận được sự quan tâm của Chính phủ; sự chỉ đạo quyết liệt và quản lý chặt chẽ từ Bộ Công Thương; cùng sự hỗ trợ từ các bộ, ban, ngành liên quan. Nhờ đó, thị trường đã có những bước tiến đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình hội nhập kinh tế của đất nước".

Từ thực tế vận hành của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, bên cạnh sửa đổi Luật Thương mại và những luật liên quan, các đại biểu đề nghị, cần xây dựng Nghị định mới về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, thay thế cho Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP. Sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm trong giao dịch, mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Nghiên cứu sửa, đổi bổ sung mã ngành kinh tế quốc dân đối với hoạt động Sở Giao dịch hàng hóa, hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.

Cùng với đó, cần quy định cụ thể chế độ thuế, phí, lệ phí… để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công cụ bảo hiểm giá nguyên liệu, hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua việc giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Điều này cũng sẽ giúp doanh nghiệp trong nước chủ động hơn trong việc lựa chọn công cụ và biện pháp phòng ngừa rủi ro từ các biến động thị trường khi thực hiện giao dịch hàng hóa tương lai.

Kết luận Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Lê Hải Đường nhấn mạnh, các ý kiến tại Hội thảo khoa học đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích; đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý trên cơ sở bám sát Đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt, tiếp tục làm rõ và nổi bật hơn về các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam bảo đảm tính khả thi và ứng dụng cao trên hoạt động thực tiễn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam