Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cả nước hiện có 9.792 đài truyền thanh cấp xã/10.599 xã, phường, thị trấn, với 13.853 nhân sự; 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện/705 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, với 7.321 nhân sự; có 831.875 bản tin thông tin cơ sở; 5.030 trang thông tin điện tử (bản tin điện tử) của UBND cấp xã; 4.942 tài liệu không kinh doanh/năm; 67.447 bảng tin công cộng các loại; 43.315 báo cáo viên các cấp, 179.000 tuyên truyền viên cơ sở.
So với các loại hình truyền thông khác như báo chí in, báo chí điện tử, phát thanh, truyền hình..., hệ thống thông tin cơ sở đang có số lượng đối tượng quản lý và lực lượng nhân sự làm công tác tuyên truyền đông gấp rất nhiều lần.
Hệ thống thông tin cơ sở đặc biệt phát huy hiệu quả trong các tình huống khẩn cấp (mưa bão, lũ lụt, cháy nổ...) và trong các chiến dịch truyền thông phục vụ nhiệm vụ chính trị (tuyên truyền về Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội động nhân dân các cấp, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia).
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở hiện là văn bản pháp luật (nội dung) duy nhất điều chỉnh hoạt động thông tin cơ sở. Tuy nhiên, Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg không bao quát, điều chỉnh hết các lĩnh vực hiện có của hệ thống thông tin cơ sở đó là hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện. Với 666 đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện hoạt động truyền thanh - truyền hình ở cấp huyện, với trên 7.000 phóng viên, biên tập viên cung cấp thông tin thiết yếu tới người dân, toàn bộ hệ thống này đang hoạt động mà không có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.
Mặt khác, sự xuất hiện của các các phương thức hoạt động truyền thông phục vụ nhiệm vụ chính trị thông qua các ứng dụng công nghệ mới như: tin nhắn viễn thông, nhạc chuông chờ trên điện thoại di động, truyền thông trên mạng xã hội (tin, bài, ảnh, videoclip, file âm thanh…) chưa được quy định bổ sung, cập nhật.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mục đích xây dựng Nghị định định quy định về hoạt động thông tin cơ sở nhằm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định pháp luật đối với lĩnh vực thông tin cơ sở để khẳng định và phát huy vai trò, thế mạnh của toàn bộ hệ thống.
Đồng thời, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin cơ sở, để thông tin cơ sở thực sự là kênh thông tin, tuyên truyền thiết yếu, phát huy sức mạnh ở cơ sở.
Nghị định sẽ kế thừa toàn bộ các quy định còn phù hợp của Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg và các văn bản pháp luật có liên quan về hoạt động của đài truyền thanh cấp xã, bảng tin công cộng, bản tin, tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở, tuyên truyền viên cơ sở.
Bổ sung mới nội dung quy định về hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện nhằm lấp các khoảng trống pháp lý trong hoạt động thông tin cơ sở hiện tại chưa được điều chỉnh tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào: Hoạt động của toàn bộ các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện (Chương II).
Đồng thời, Nghị định bổ sung mới nội dung quy định về hoạt động thông tin, tuyên truyền thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị thông qua các ứng dụng công nghệ mới như: tin nhắn viễn thông, truyền thông trên mạng xã hội nhằm huy động một phần năng lực của hệ thống truyền tải thông tin hiện có (mạng viễn thông di động: tin nhắn viễn thông; mạng xã hội) vào việc cung cấp nội dung thông tin thiết yếu của thông tin cơ sở mà thực tiễn hiện nay đã và đang thực hiện song chưa được luật hóa bằng các quy định cụ thể (Chương VIII, IX).
Bên cạnh đó, bổ sung mới và làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của thông tin cơ sở; chính sách của Nhà nước về phát triển thông tin cơ sở; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thông tin cơ sở.
Nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định pháp luật hiện hành (mới dừng ở Quy chế hoạt động do Thủ tướng Chính phủ ban hành) đối với các thiết chế thông tin cơ sở như đài truyền thanh cấp xã, bảng tin, tuyên truyền viên tại Quyết định 52/2016/QĐ-TTg để tạo hành lang pháp lý rõ hơn (quy định được các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, xác lập vị trí của các đối tượng thuộc lĩnh vực thông tin cơ sở như: Chức năng, nhiệm vụ; nhân sự làm công tác thông tin cơ sở (chức danh, điều kiện, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ...) nhằm khẳng định và phát huy vai trò, thế mạnh của toàn bộ hệ thống; quy định về mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh đối với nhân sự làm công tác thông tin cơ sở.
Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở tại đây.