Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), Luật Xử lý VPHC, các Luật chuyên ngành có liên quan và tạo thuận lợi cho các lực lượng thực thi trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực SHCN góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý VPHC, tạo hành lang pháp lý hữu hiệu để bảo đảm công tác xử lý, xử phạt VPHC đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trên cơ sở Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN.
Ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 với một số quy định sửa đổi, bổ sung liên quan trực tiếp, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung các nội dung tương ứng tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (như sửa đổi, bổ sung về quy định cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN liên quan đến tên miền; thay đổi quyền của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh về quyền yêu cầu cơ quan nhà nước tiến hành xử lý...).
Đồng thời, thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị định số 99/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như sau: Một số quy định mô tả hành vi vi phạm về SHCN đã được quy định tại Luật SHTT, tuy nhiên chưa quy định chế tài xử phạt tại Nghị định xử phạt (hành vi chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN không thông qua hình thức hợp đồng bằng văn bản); một số hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định xử phạt tuy nhiên không được quy định tại Luật SHTT (hành vi quá cảnh); ngoài ra, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, một số quy định cần bổ sung, quy định rõ ràng hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc áp dụng, một số thuật ngữ cần điều chỉnh để thống nhất với Luật Sở hữu trí tuệ.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực SHCN đang có hiệu lực hiện nay là cần thiết nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực SHCN, bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc lớn trong thực tiễn, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về SHCN nói riêng và SHTT nói chung.
Nội dung của dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể như sau:
Đối với quy định tại Chương 1. Những quy định chung
- Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 1a về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp là Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh để phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính.
- Bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị định tại khoản 5 Điều 1a đối với trường hợp hành vi vi phạm xảy ra trên mạng Internet.
- Sửa đổi, bổ sung quy định chung về các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực SHCN tại Điều 3 để phù hợp với quy định của pháp luật về SHTT và thuận lợi trong việc áp dụng.
- Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 4 để phù hợp với quy định tại Điều 213 Luật SHTT.
Đối với quy định tại Chương 2. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả
- Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 7 (Vi phạm quy định về đại diện SHCN) để phù hợp với các nội dung quy định tại Điều 151, 153, 154, 155, 156 Luật SHTT.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 9 (Vi phạm quy định về niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra) để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn.
- Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản tại các Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15 theo hướng bỏ nội dung liên quan đến hành vi quá cảnh, do Luật SHTT không quy định biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi này.
- Sửa đổi quy định về biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại” và bổ sung quy định về biện pháp khắc hậu quả “Buộc triệu hồi hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý” tại Điều 12 để phù hợp với quy định của pháp luật về SHTT.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
M.Đức