Du khách đến Hoàng Su Phì không chỉ ngắm cảnh đẹp mà còn được sống trọn trong nhịp sống và văn hoá độc đáo của đồng bào vùng cao - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Nền tảng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của du lịch Hoàng Su Phì chính là việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ – với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường sạch đẹp - Điểm đến an toàn, thân thiện". Cùng với đó, Đề án "Quy hoạch phát triển du lịch Hoàng Su Phì giai đoạn 2017–2021, định hướng đến 2030" đã trở thành kim chỉ nam, giúp địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy thế mạnh các tuyến, điểm du lịch và cải thiện cơ sở hạ tầng, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Xúc tiến quảng bá du lịch Hà Giang – Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á, ngài Ali Akbar Nazari, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam và gia đình đã có chuyến trải nghiệm 3 ngày 2 đêm đáng nhớ tại thôn Suối Thầu 2 (xã Bản Luốc). Nơi đây được ví như một miền cao nguyên đá đang chuyển mình mạnh mẽ bằng chính nét hoang sơ, thuần khiết và lòng mến khách.
Không xa hoa, không ồn ào, mô hình du lịch cộng đồng Skyview Khánh Đinh tọa lạc giữa lưng trời ruộng bậc thang đã trở thành nơi lưu dấu cảm xúc đặc biệt với gia đình vị Đại sứ Iran. Những hình ảnh giản dị nhưng tràn đầy năng lượng tích cực về hành trình khám phá của ông và người thân, khi ngắm đồi chè Shan Tuyết, cùng người Dao đi hái chè, bắt cá chép ruộng, hay lội bộ theo con đường đất đỏ giữa lúa đương thì con gái... đã nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội, nhận hàng nghìn lượt yêu thích và chia sẻ.
"Với tư cách là một du khách đến Hà Giang, tôi thực sự bị mê hoặc. Không chỉ vì thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi chiều sâu văn hóa. Được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang trứ danh, trải nghiệm cùng người dân địa phương, đặc biệt là đồi chè Shan Tuyết, tôi cảm giác mình đang chạm đến trái tim của Hà Giang", ngài Ali Akbar Nazari bày tỏ đầy xúc động.
Skyview – cái tên gợi mở một điểm nhìn thoáng đãng không chỉ là nơi lưu trú mà còn là một lối sống, một triết lý du lịch "chạm" tới cảm xúc. Đó là điều mà chị Đinh Quốc Khánh – chủ cơ sở và cũng là công chức văn hóa xã Bản Luốc luôn tâm niệm. Không dựa vào những chiến dịch quảng bá ồn ào, đơn vị này chủ yếu đón khách qua những lời truyền miệng, những bài đăng tự viết, tự quay trên TikTok, Facebook hay các nhóm review du lịch.
Chị Khánh chia sẻ: "Làm du lịch là phải có tâm. Tôi không đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà mong khách đến đây thấy ấm áp, gần gũi, có cảm giác như đang ở chính ngôi nhà của mình. Khách đến không chỉ để ở, mà để trải nghiệm, để yêu vùng đất này như cách người bản địa đang sống và gìn giữ nó".
Với phương châm đó, mô hình du lịch cộng đồng của chị Khánh đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, đặc biệt là du khách quốc tế đến từ Pháp, Đức, Thụy Điển, Anh, Hàn Quốc... Trung bình mỗi năm cơ sở này đón khoảng 200–300 lượt khách, đông nhất vào mùa lúa chín từ tháng 9 đến tháng 11. Những trải nghiệm mang đậm bản sắc như trekking ruộng bậc thang, bắt cá ruộng, hái chè, hay khi có yêu cầu, tái hiện nghi lễ nhảy lửa, lễ cấp sắc của người Dao áo dài... đã góp phần "gói ghém" những ký ức khó quên trong mỗi chuyến đi.
Sự thành công của chị Khánh chỉ là một trong rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng đang "trỗi dậy" ở Hoàng Su Phì – nơi du lịch không còn là cuộc chạy đua hạ tầng hay dịch vụ mà là hành trình sống cùng, hiểu cùng và tôn vinh cùng văn hóa bản địa. Chuyến thăm của vị Đại sứ Iran không chỉ là một trải nghiệm cá nhân, mà còn như một lời khẳng định đầy cảm hứng rằng: Hoàng Su Phì đang thực sự chạm đến trái tim bạn bè quốc tế, từ những điều bình dị nhất.
Lần đầu đặt chân đến Hoàng Su Phì, anh Lê Vân Tường (du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa) đã không giấu nổi sự xúc động trước vẻ đẹp hùng vĩ mà nguyên sơ của vùng đất nơi thượng nguồn sông Chảy. Là người yêu thiên nhiên và từng rong ruổi khắp Tây Bắc, nhưng với anh Tường, Hoàng Su Phì vẫn là một dấu lặng khác biệt vừa mộc mạc, vừa sâu lắng, mang đến một trải nghiệm "rất thật, rất người".
"Tôi đã từng đi nhiều nơi, nhưng Hoàng Su Phì khiến tôi phải dừng lại lâu hơn không phải vì các dịch vụ xa hoa, mà chính bởi sự chân tình của người bản địa, bởi những nếp nhà nằm nép bên sườn núi, bởi tiếng khèn vang vọng giữa rừng chiều và nhất là bởi cảm giác như mình vừa chạm đến một vùng ký ức cổ tích", nam du khách bộc bạch.
Theo anh Tường, điều làm nên sức hút đặc biệt của Hoàng Su Phì không chỉ là những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, đồi chè Shan Tuyết cổ thụ, hay mùa lúa vàng trải dài như dải gấm giữa đại ngàn… mà còn là những giá trị văn hóa nguyên bản vẫn được người dân gìn giữ qua từng lời hát, điệu múa, lễ nghi truyền thống của đồng bào Dao, Tày, Nùng...
Cho rằng Hoàng Su Phì vẫn còn rất hoang sơ, rất thật. Ở đây, du khách không chỉ đến để ngắm, để chụp ảnh, mà để sống chậm lại, để hiểu và trân trọng từng nét văn hóa bản địa. Anh Tường tin rằng, nếu được quan tâm đầu tư đúng hướng, giữ gìn bản sắc như hiện nay, nơi đây hoàn toàn xứng đáng trở thành điểm đến văn hóa sinh thái đặc sắc trên bản đồ du lịch của Hà Giang.
Trong hành trình xây dựng và phát triển, huyện Hoàng Su Phì luôn nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo tỉnh. Tại một buổi làm việc với lãnh đạo huyện, đồng chí Vương Ngọc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã đánh giá cao những chuyển biến toàn diện của địa phương đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế và phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa.
Từ cảnh sắc hùng vĩ đến nếp sống bản địa, Hoàng Su Phì để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách quốc tế - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Riêng với du lịch, đồng chí Vương Ngọc Hà đặc biệt lưu ý, tất cả điểm đến tại Hoàng Su Phì cần được phát triển theo hướng du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa, xác định rõ cơ hội, thách thức, thế mạnh và điểm yếu để có định hướng thu hút đầu tư hiệu quả. Tỉnh cũng khuyến khích huyện phối hợp với các nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp để từ bản sắc văn hóa các dân tộc xây dựng thành sản phẩm thủ công, đồ lưu niệm đặc trưng phục vụ du khách hướng tới phát triển du lịch không chỉ đẹp mà còn có chiều sâu văn hóa.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2024, Hoàng Su Phì đã đón hơn 165.000 lượt khách, trong đó có hơn 2.400 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 140 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào sự chuyển mình của huyện vùng cao này.
Riêng trong quý I năm 2025, toàn tỉnh Hà Giang đã đón trên 848.000 lượt khách, với tổng doanh thu gần 2.300 tỷ đồng. Những con số ấn tượng cho thấy du lịch không chỉ là "cửa ngõ" để giới thiệu Hà Giang với thế giới, mà còn là động lực phát triển bền vững, đặc biệt tại các địa phương như Hoàng Su Phì.
Trong hành trình chạm đến trái tim của du khách, Hoàng Su Phì không chỉ mang đến những tầng ruộng bậc thang kỳ vĩ hay đồi chè Shan Tuyết ngát hương, mà còn kể những câu chuyện bình dị về con người, văn hóa và khát vọng vươn lên từ chính mảnh đất biên cương này.
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự chung tay của cộng đồng dân cư và sự đồng hành từ du khách muôn phương, du lịch Hoàng Su Phì đang dần định hình bản sắc riêng bền vững, nhân văn và đậm đà bản địa.
Văn Hiền