Tại cuộc họp với Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, ngày 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng đề nghị tạo điều kiện, cơ chế phù hợp để các nhà khoa học tham gia biên soạn.
Trong năm 2017, Hội đồng Chỉ đạo và Ban Chủ nhiệm Đề án phối hợp với cơ quan chủ trì là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các ban biên soạn chuyên ngành tập trung vào việc hoàn thiện thuyết minh và dự toán của nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương quyển chuyên ngành thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam".
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho biết, dự kiến, năm 2018, sau khi nghiệm thu nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương quyển chuyên ngành thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam", các quyển sẽ chính thức bắt tay vào biên soạn các mục từ đã được xác lập trong quá trình xây dựng đề cương năm 2017.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận về một số nội dung mang tính kỹ thuật, liên quan đến biên soạn mục từ của một số phân ngành; cơ chế khoán, thanh toán cho các nhà khoa học nhận xét, góp ý, phản biện các mục từ; thanh toán một số hoạt động khác...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sau gần 2 năm thực hiện, nhiều công việc đã dần đi vào nền nếp, cần tiếp tục xây dựng nguyên tắc hoạt động cho giai đoạn tới, rà soát, cắt bỏ các thủ tục, hoạt động không cần thiết.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chủ nhiệm đề án, các cơ quan liên quan cần có cơ chế giao quyền chủ động cho Trưởng ban biên soạn về sử dụng kinh phí chuyển cho các thành viên biên soạn, căn cứ vào tiến độ và chất lượng công việc, nhằm tránh trường hợp có thành viên nhận tiền nhưng không làm, hoặc có làm nhưng sản phẩm không đạt chất lượng.
“Cơ chế tài chính sau thời gian thí điểm cần xây dựng chính thức, theo hướng bổ sung, khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện. Các đồng chí cần chú ý việc xây dựng định mức, đơn giá đối với việc biên soạn mục từ cần khuyến khích theo hướng cô đọng, ngắn gọn nhất. Thủ tục phải đơn giản để giúp nhà khoa học tập trung vào công việc biên soạn. Thời gian biên soạn nên đủ để các nhà khoa học thực hiện công việc một cách hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.
Theo kế hoạch, trong năm 2018, Ban Chủ nhiệm Đề án sẽ nghiệm thu 37 nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương quyển chuyên ngành thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam"; triển khai biên soạn các mục từ, trong đó, ưu tiên biên soạn trước các mục từ chuyên ngành đặc thù; ban hành cơ chế tài chính chính thức...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam -Myanmar
Chiều 20/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp ông U Tint Swai, Chủ tịch Hội hữu nghị Myanmar-Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh ông U Tint Swai và đoàn đại biểu lần đầu tiên sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Đánh giá cao những thành tựu mà Chính phủ Myanmar đã đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tin tưởng chắc chắn rằng Chính phủ Myanmar sẽ thành công trong tiến trình hòa giải và hòa hợp dân tộc, nâng cao vị thế trong khu vực và quốc tế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, trân trọng những mối liên hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Aung San. Hai nước cũng có nhiều nét tương đồng về văn hóa và truyền thống đấu tranh giành độc lập dân tộc.
“Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước phát triển về mọi mặt cả về chiều rộng lẫn chiều sâu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian qua, quan hệ giữa hai nước Việt Nam, Myanmar đã có những bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, đặc biệt là việc hai nước đã nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác hợp tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (8/2017). Đặc biệt, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng, mang lại nhiều kết quả rất tích cực.
Kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 548 triệu USD trong năm 2016 và dự kiến đạt hơn 800 triệu USD năm 2017, vượt mục tiêu 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra. Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Myanmar với hơn 70 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt gần 1,5 tỷ USD.
Để đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao; sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là nông-lâm-ngư nghiệp, giao thông vận tải...
Phó Thủ tướng đề nghị Myanmar tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh; tăng cường hợp tác giao lưu nhân dân, trong đó đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa TPHCM với thành phố Yangon, tiến tới thiết lập hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương của Myanmar; đề nghị Hội hữu nghị hai nước tăng cường hợp tác, phối hợp công tác.
Phát biểu tại cuộc tiếp, ông U Tint Swai bày tỏ vui mừng lần đầu tiên sang thăm Việt Nam. Hội hữu nghị Myanmar-Việt Nam mới được thành lập năm ngoái, ngay trước chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ đó đến nay, Hội đã có những hoạt động cụ thể, tích cực để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ, nhân dân hai nước.
Chủ tịch Hội hữu nghị Myanmar-Việt Nam cho biết, trong chuyến thăm lần này, Đoàn đã ký nhiều văn bản, thỏa thuận quan trọng với các cơ quan của Việt Nam nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Hội hữu nghị hai nước, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư.
Ông U Tint Swai khẳng định, trong thời gian tới, Hội hữu nghị Myanmar-Việt Nam sẽ nỗ lực để tăng cường kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế của nhau. Hội hữu nghị Myanmar-Việt Nam cũng sẽ tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, giáo dục truyền thống trong thanh niên về mối quan hệ truyền thống giữa hai nước.
Là người đã từng có thời gian công tác tại Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Myanmar-Việt Nam bày tỏ ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua và khẳng định, những bài học của Việt Nam sẽ có ý nghĩa rất quan trọng với Myanmar./.