In bài viết

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 17/1.

18/01/2019 08:00

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Cao su

Ngày 17/1, tại TPHCM, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tổ chức lễ tổng kết hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chúc mừng và đánh giá cao kết quả đạt được của ngành cao su nói chung và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trong năm vừa qua.

Chỉ ra 3 điểm sáng của ngành nông nghiệp trong năm vừa qua: Toàn ngành đã đạt và vượt 5/5 chỉ tiêu kế hoach đề ra; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86% (chỉ tiêu 3,25%) và kim ngạch xuất khẩu lên đến hơn 40 tỷ USD (tăng so với chỉ tiêu Chính phủ giao 36 - 37 tỷ USD), Phó Thủ tướng khẳng định, ngành nông nghiệp, trong đó có ngành hàng cao su đã đóng góp quan trọng vào thành tựu của kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua.

Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tạo và giữ ổn định công ăn việc làm cho hơn 81.000 lao động, trong đó có hơn 25.000 lao động người dân tộc thiểu số, tại các vùng còn khó khăn với mức lương khá cao (bình quân thu nhập đạt 7 triệu đồng/người/tháng).

Bước sang năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn cần triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ mà Thủ tướng giao, khắc phục những hạn chế, lựa chọn thế mạnh tạo bước đột phá, thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2019.

Bên cạnh đó, cùng với chuyển đổi mô hình và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho phù hợp xu thế, Tập đoàn cần tăng cường công tác quản trị, từ công ty mẹ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, bảo đảm việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện đang quản lý trên 407.800 ha đất, riêng trong nước được giao hơn 300.000 ha. Do đó, cần quán triệt đầy đủ và có biện pháp thực hiện cụ thể kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị về di dân tự do, quản lý đất đai nông lâm trường; triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị, hiệu quả sử dụng đất.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thêm thị trường mới nhất là các đơn vị trực tiếp sản xuất trong và ngoài nước. Phối hợp tổ chức sàn giao dịch sản phẩm cao su trong nước; tăng cường chế biến sâu các sản phẩm tiêu dùng như găng tay, lốp xe, phụ kiện cao su công nghiệp và dân dụng để gia tăng giá trị, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, nhất là công tác xã hội đối với đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp về bảo đảm an toàn giao thông

Chiều 17/1, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về các biện pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét, lựa chọn một số giải pháp cụ thể, cấp bách, quyết liệt sao cho hiệu quả, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2019.

“Điều này gây bức xúc trong xã hội, là yêu cầu cấp bách, là trách nhiệm cấp bách của các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng công an và giao thông vận tải. Chính phủ đã có công điện, chỉ đạo, có kế hoạch thực hiện nhưng vấn đề là tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm, thực sự hiệu quả”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Từ đây phải đặt ra mục tiêu, giải pháp, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát, sơ kết và tổng kết đối với công tác bức xúc và cấp bách này để kéo giảm TNGT trên cả ba tiêu chí, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng xe ô tô, xe máy đăng ký ngày càng tăng, gây ra quá tải, tắc đường, kẹt xe, người dân căng thẳng khi tham gia giao thông…

Dịp Tết Nguyên đán phải làm sao cho kéo giảm TNGT để người dân vui xuân, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Muốn vậy, các bộ ngành, địa phương phải có kế hoạch triển, tổ chức thực hiện, có phân công, phối hợp, kiểm tra, xử lý. Chủ công là 2 Bộ: GTVT, Công an, các địa phương có nhiều “điểm đen”, nhiều lễ hội, các đường ngang dân sinh…

Trước mắt, tăng cường tuần tra kiểm soát các phương tiện và người tham gia giao thông. Nghiêm cấm việc "xin xỏ" CSGT khi vi phạm, ai can thiệp hoặc "xin xỏ" thì phải công khai. Tổ chức kiểm tra nồng độ cồn và ma túy, nhất là các thành phố lớn làm trước, phối hợp với các lực lượng, phát hiện ra có sử dụng là thu giấy phép lái xe; xử lý các chủ phương tiện, kiểm tra các điều kiện kinh doanh vận tải, chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, chủ phương tiện; đưa ra xét xử các vụ án điểm liên quan đến vi phạm an toàn giao thông trước Tết Nguyên đán để răn đe; tập trung xử lý một số “điểm đen”, các đường ngang dân sinh. Việc đào tạo, sát hạch lái xe dư luận lâu nay có nói đến việc “chống trượt”, Bộ GTVT phải kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, xử lý nghiêm cơ sở sai phạm, nếu lái xe gây TNGT thì kiểm tra quá trình đào tạo, sát hạch, trung tâm kiểm định, chủ doanh nghiệp vận tải…

“Ngay trong dịp Tết Nguyên đán, phải xử lý nghiêm việc không đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn khi tham gia giao thông, nhất là các đô thị lớn”, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo

Riêng việc hoán cải tải trọng xe chở khách, chở hàng, xe container, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu xử lý nghiêm và cấm để xảy ra việc “lách luật” để doanh nghiệp hoán cải tải trọng xe, ảnh hưởng đến an toàn vận tải.

Về cách làm, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ ngành, địa phương lập kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện một cách liên tục, quyết liệt, báo cáo kết quả về Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban An toàn quốc gia; báo chí vào cuộc quyết liệt tuyên truyền về văn hóa giao thông, lên án hành vi xấu, lan tỏa người tốt, việc tốt trong nhân dân.

“Không để xảy ra tiêu cực làm mất uy tín và hình ảnh ngành và lực lượng thực thi công vụ”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về điều hành giá

Chiều 17/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Các thành viên Ban Chỉ đạo năm 2018 đánh giá công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát thành công, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,54%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đề ra là khoảng 4% và là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát lạm phát dưới 4%, góp phần quan trọng vào thành công chung của kinh tế, xã hội, củng cố nền tảng vĩ mô, tạo niềm tin với người dân và doanh nghiệp vào công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành.

Về công tác điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định ngành công thương đã tổ chức sản xuất, phân phối hàng hoá tới các vùng sâu, vùng xa, các đô thị lớn tập trung nhiều công nhân, bảo đảm không để “sốt” hàng, “sốt” giá.

Tại cuộc họp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Ngân hàng Nhà nước cũng trình bày các kịch bản điều hành giá trong năm 2019 để Ban Chỉ đạo thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng tình với nhận định của các thành viên Ban Chỉ đạo, đặc biệt là các kịch bản điều hành giá trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra mục tiêu, yêu cầu cho các bộ, ngành, địa phương điều hành chỉ số giá tiêu dùng trong khoảng 3,3-3,9%, bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2019 là kiểm soát chỉ số này dưới 4%.

“Đây là kịch bản đã được tính toán trên cơ sở điều chỉnh giá cả các mặt hàng xăng dầu, thịt heo, tiếp tục đưa kết cấu lương, một phần chi phí quản lý vào dịch vụ y tế, giá điện. Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành lạm phát cơ bản là khoảng 1,6-1,8%”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ và đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê bổ sung, điều chỉnh các kịch bản quản lý giá cả theo mục tiêu trên.

Đối với điều hành giá cả một số mặt hàng cụ thể, như việc điều chỉnh giá điện trong năm 2019, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu phải kiểm soát và minh bạch yếu tố đầu vào, thực hiện điều chỉnh giá điện đồng bộ với điều chỉnh giá khí trong bao tiêu, giá than phục vụ cho sản xuất điện và các kịch bản về phân bổ tỷ giá trong sản xuất điện với liều lượng, thời điểm phù hợp. Việc điều chỉnh giá điện vừa thu hút được các nhà đầu tư năng lượng và tiết giảm chi phí cho sản xuất, tiêu dùng. Ngành điện tăng cường cơ cấu lại sản xuất, lao động, tăng cường công nghệ để tiếp tục cắt giảm các chi phí sản xuất điện.

Năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng giá BOT sẽ cơ bản ổn định sau khi các trạm BOT thực hiện quyết toán, điều chỉnh giảm giá trong năm 2018. Hết năm 2019, Bộ GTVT sẽ phải hoàn thành thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc để nâng cao tính minh bạch trong thu, sử dụng khoản phí này.

Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương xây dựng kịch bản điêu hành cả năm trên cơ sở bám sát giá xăng dầu thế giới, có phương án sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, có chính sách khuyến khích sử dụng xăng sinh học. Bộ Y tế bám sát việc thực hiện kết cấu chi phí tiền lương, chi phí quản lý vào dịch vụ khám chữa bệnh, cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục mở rộng danh mục đấu thầu thuốc, vật tư thiết bị y tế, kể cả vấn đề đàm phán giá để quyết tâm kéo giảm tiếp giá thuốc trên tinh thần cung cấp đủ thuốc cho nhu cầu khám bệnh với giá cả hợp lý.

Với công việc trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu “Quý I/2019, tăng cường bảo đảm cung cầu, tuyệt đối không để xảy ra “sốt” hàng, tăng giá, tập trung đưa hàng hoá tới vùng sâu, vùng xa, các thành phố tập trung đông công nhân để bảo đảm tháng 2/2019 có mức tăng lạm phát thấp nhất”.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo chí và đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với Chính phủ trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô./.