In bài viết

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Thông cáo báo chí của VPCP về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 11/2/2019.

12/02/2019 08:35
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình xuống đồng cày Tịch điền

Ngày 11/2, tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã thực hiện nghi thức xuống đồng cùng nông dân trong Lễ hội Tịch điền.

Cùng dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cùng bà con nông dân địa phương.

Đây là năm thứ 10 Lễ hội được phục dựng theo tích Vua Lê Hoàn cùng văn võ bá quan tổ chức cày Tịch điền dưới chân núi Đọi (năm Đinh Hợi 987).

Phát biểu tại buổi lễ, được sự ủy quyền của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Lễ hội Tịch điền đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, được Nhà nước ghi danh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, giàu ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nghề nông, nhà nông, “dĩ nông vi bản”, “phi nông bất ổn”.

Lễ hội Tịch điền năm nay càng vui hơn khi diễn ra trong bối cảnh tỉnh Hà Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, nông thôn. Lễ hội Tịch điền hôm nay có thêm niềm vui với việc công bố và chúc mừng năm 2018, tỉnh Hà Nam có thêm 13 xã, nâng tổng số lên 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa Hà Nam trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới, với trên 90% số xã đạt chuẩn và đang phấn đấu hoàn thành tất cả mục tiêu của chương trình trên địa bàn vào cuối năm 2019.

Năm 2018, tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt trên 3,7%, cao nhất trong 7 năm qua, không những bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, với quy mô dân số tăng nhanh, mà còn đưa Việt Nam trở thành một trong 15 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, kim ngạch ngày càng lớn với trên 40 tỷ USD năm 2018, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, cả nước đã có trên 42% số xã và 61 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đề ra.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, năm 2019 là năm có nhiều thời cơ, thuận lợi do công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế mang lại, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hôm nay.

Với phương châm hành động của Chính phủ đề ra cho năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn tỉnh Hà Nam cùng cả nước phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra.

Để nông nghiệp, nông thôn nước ta phát triển mạnh mẽ, tiến xa hơn nữa, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hà Nam cùng các địa phương trong cả nước, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân phát huy tinh thần của Lễ hội Tịch điền, thi đua đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung đổi mới tổ chức sản xuất, tăng hợp tác liên kết theo chuỗi với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hoá, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và chất lượng cạnh tranh của nông sản, phấn đấu tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp năm nay đạt khoảng 3%, xuất khẩu đạt 43 tỷ USD, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn một năm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm, làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 11/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã thăm và làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Cùng tham dự đoàn công tác còn có Bí thư Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Thanh, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng, Chủ tịch ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ.

Tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh một trong những điểm sáng về kinh tế được đánh giá cao trong năm 2018 là việc Chính phủ đã thành lập và đưa Ủy ban vào hoạt động.

Nhắc lại khoảng thời gian 5 năm chuẩn bị cho việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng khẳng định mô hình hoạt động hiện nay của cơ quan này đã được Chính phủ chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý trong và ngoài nước, bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế-xã hội của Việt Nam và việc quản lý, sử dụng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc các bộ, ngành bàn giao 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước về Ủy ban trong năm qua chỉ là bước đầu, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban tiếp tục dày công nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, nắm vững thực trạng, “chân tơ, kẽ tóc” của từng đơn vị để có cách ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy, tuyển dụng cán bộ, công chức để có đội ngũ cán bộ tinh, gọn, có năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

“Tuyển dụng cán bộ vào làm việc tại Ủy ban phải bảo đảm các tiêu chí trong sáng, tự trọng và có trách nhiệm. Mỗi vị trí việc làm đều phải bảo đảm đủ khả năng xây dựng được 1 đề án cải cách cách hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc. Không đủ các yếu tố này thì không nên vào và tuyển dụng vào làm việc tại Ủy ban”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết cuối quý I/2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp sẽ công bố Sách trắng về thực trạng doanh nghiệp năm 2018, trong đó có nội dung so sánh hiệu quả sử dụng đồng vốn giữa doanh nghiệp Nhà nước với các doanh nghiệp khác, từ đó nghiên cứu, đề xuất Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách.

Để đạt được yêu cầu trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Ủy ban cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình hành động của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty. Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban thoái toàn bộ vốn không phải lĩnh vực kinh doanh chính ra khỏi các tập đoàn, tổng công ty ở những lĩnh vực, địa bàn không cần nắm giữ (trừ trường hợp đặc biệt), chấm dứt việc phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.

* Thăm, làm việc với lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Agribank, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những nỗ lực của Agribank trong 5 năm qua với việc tái cơ cấu thành công giai đoạn I.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Agribank tiếp tục bảo đảm cung ứng vốn chất lượng cao cho nền kinh tế, tiếp tục tập trung triển khai thành công cơ cấu lại giai đoạn II. Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý sự phát triển của công nghệ, Fintech sẽ làm giảm bớt ưu thế về mạng lưới của Agribank nên ngân hàng phải cơ cấu lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhưng vẫn phải “bám sát trận địa là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sát tới từng hộ nông dân, từng hợp tác xã, nông trại, trang trại”, cùng phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, các tổ chức tài chính vi mô đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn.

Ngoài phát triển tín dụng, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Agirbank phải nâng chỉ tiêu tăng trưởng dịch vụ phi tín dụng 25% trong năm 2019 thay vì mục tiêu 21% bằng các giải pháp căn cơ và áp lực lãnh đạo; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần, thực hiện IPO vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.

* Làm việc với VNPT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng gần 5 năm thực hiện tái cơ cấu, VNPT đã có bước chuyển mạnh mẽ, năm 2018 doanh thu đạt gần 155.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 25% so với thực hiện năm 2017, tốc độ tăng trưởng 25,3%, thu nhập bình quân của người lao động lên đến 28 triệu đồng/tháng, đây là những con số rất ấn tượng.

“Vấn đề quan trọng là trong bối cảnh vừa thực hiện tái cơ cấu, vừa chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, VNPT đã bước dầu thể hiện vai trò dẫn dắt trong xây dựng Chính phủ điện tử, thiết lập nền tảng hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực giáo dục, y tế… Chính phủ đánh giá VNPT cơ bản đã thực hiện được vai trò dẫn dắt và đi tiên phong trong cách mạng công nghiệp 4.0 và tiên phong trong xây dựng chiến lược 4.0”, Phó Thủ tướng đánh giá và bày tỏ hy vọng giai đoạn tới VNPT sẽ là hình mẫu làm bùng nổ ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam, vươn lên trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số vào năm 2025, trở thành trung tâm giao dịch số tại Đông Nam Á và châu Á vào năm 2030 theo Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng đề nghị VNPT bám sát các nội dung Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đang xây dựng, đóng góp cho Chính phủ, cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam, các chính sách đầu tư cho an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ; chuẩn bị tốt các điều kiện để IPO công ty mẹ VNPT vào cuối năm 2019 một cách cẩn trọng, toàn diện, đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm, động viên người lao động đầu xuân mới

Ngày 11/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm, động viên sản xuất người lao động tại Công ty TNHH SJ Tech và Công ty Quản lý công trình đô thị Bắc Giang, tại tỉnh Bắc Giang.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Công ty SJ Tech, một doanh nghiệp (DN) dù mới thành lập nhưng đầy sức vươn lên như hình ảnh của tỉnh Bắc Giang, của nền công nghiệp Việt Nam. Phương châm trung thực, chân thành, tôn trọng mọi người của DN đã làm ra những sản phẩm không chỉ bởi công nghệ, trí tuệ mà còn bằng tấm lòng của tất cả người lao động. Đây là điều tất cả các DN cần quan tâm, qua đó không chỉ phát triển sản xuất mà còn xây dựng văn hóa trong DN.

Tổ chức công đoàn của công ty đã làm tốt công tác đại diện, chăm lo đời sống cho người lao động, tạo sự gắn kết giữa DN và người lao động, DN và chính quyền, cùng nhau xây dựng xã hội với tinh thần trách nhiệm, hợp tác, hướng tới những giá trị tốt đẹp.

Phó Thủ tướng chúc DN hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh làm ra các sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, phát triển hơn. Đời sống vật chất và văn hoá tinh thần của người lao động ngày càng được nâng lên. Tinh thần đoàn kết, tình người được lan toả trong công ty và ra cả ngoài xã hội.

Bên cạnh sự quan tâm thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt cho các DN phát triển, Phó Thủ tướng mong muốn lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và DN cùng nhau nỗ lực từng bước lo nơi ăn, chốn ở, trường học, y tế… để người lao động ổn định lâu dài, gắn bó với DN như nhà của mình, gắn bó với Bắc Giang như quê hương thứ hai của mình, “an cư lạc nghiệp”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là việc đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả DN và chính quyền. Không một DN nào có thể đứng ra lo hết cả nhà ở, trường học, trạm y tế… cho công nhân nhưng trong điều kiện của Việt Nam còn nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng mong rằng các DN tham gia tích cực trong khả năng của mình với tinh thần tôn trọng con người, vì tương lai con người. Các tổ chức công đoàn cũng cần phối hợp chặt chẽ với DN, Ban Quản lý các khu công nghiệp, chính quyền địa phương trong xây dựng các thiết chế văn hóa-xã hội cho công nhân.

“Công ty đã tổ chức sinh nhật hàng tháng cho người lao động ở nơi làm việc nhưng tôi mong rằng sắp tới sẽ có những buổi tổ chức sinh nhật tương tự ở các khu nhà ở với sự tham gia của các thành viên khác trong gia đình người lao động. Điều đấy chứng tỏ công ty đã ở lâu dài ở Việt Nam và người lao động gắn bó qua nhiều thế hệ”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tại Công ty Quản lý công trình Đô thị Bắc Giang (TP. Bắc Giang), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ nỗi vất vả thầm lặng, đáng quý của những công nhân vệ sinh môi trường đằng sau mỗi đường phố, ngôi nhà sạch sẽ.

“Anh chị em phải tiếp xúc với rác, là thứ không ai muốn tiếp xúc, phải làm cả lúc đêm khuya, khi mọi người đã ngủ. Ngày lễ Tết khi mọi người nghỉ lễ, du Xuân, vui Tết thì công nhân vệ sinh môi trường là một trong số những lực lượng phải làm việc, thậm chí vất vả hơn ngày thường rất nhiều với khối lượng rác lớn, chưa kể ý thức kém của một số người dân, vứt rác bừa bãi”, Phó Thủ tướng nói.

Kể lại những tâm tư của một số công nhân môi trường trong một số lần trò chuyện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết mong muốn của nhiều người là mọi gia đình cho rác vào túi cẩn thận, để đúng nơi, đúng giờ. Tốt hơn nữa thì phân loại rác hữu cơ, vô cơ, rác tái chế. Rác xây dựng đổ đúng nơi, đúng chỗ. Người dân không vứt rác bừa bãi nơi công cộng.

Theo Phó Thủ tướng, để phát triển bền vững, chăm lo cho người dân thì chúng ta vẫn phải lo phát triển kinh tế nhưng không được quên các vấn đề xã hội, nền tảng văn hoá tinh thần. Làm sao để những giá trị tốt đẹp được lan toả trong xã hội, đẩy lùi cái xấu.

“Có những tệ nạn, tiêu cực được hình thành từ rất lâu, thành thói quen, tưởng chừng rất nhỏ như trong giữ gìn vệ sinh môi trường nhiều người chỉ cần sạch nhà mình mà hất rác sang nhà khác hay vứt ở bất cứ đâu. Hay sau mỗi sự kiện, lễ hội khi mọi người ra về bỏ lại đầy rác. Chưa nói đến câu chuyện hái hoa, bẻ cành bừa bãi. Những việc đó tuy nhỏ nhưng sâu xa chính là văn hóa, là trách nhiệm của một cá nhân, của một cộng đồng. Đã đến lúc phải có tiếng nói đồng bộ, vận động người dân, nêu gương tốt, mặt khác hoàn thiện hệ thống thể chế, trực tiếp là pháp luật, vận động đi liền với xử lý”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ví dụ.

Phó Thủ tướng mong người dân thực hiện đúng quy định của công ty môi trường; không xả rác bừa bãi; thấy rác người khác vứt thì nhặt bỏ vào nơi quy định.

“Những việc rất nhỏ bé, những thói quen hàng ngày liên quan đến môi trường cũng là văn hoá. Mỗi người dân, trước hết là những bạn trẻ cần tự rèn mình, từng bước xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh không bị giá trị vật chất, những thói quen vô tình hàng ngày hình thành nếp sinh hoạt thiếu văn hoá”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm, làm việc với Tập đoàn Dầu khí

Ngày 11/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm, làm việc với tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhân ngày làm việc đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi.

Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát biểu với tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, trong năm 2018, với nỗ lực vượt qua khó khăn, PVN đã tập trung tái cấu trúc, rà soát lại, xử lý các dự án yếu kém đi vào hoạt động, nâng cao năng lực, chất lượng, năng suất, hiệu quả cạnh tranh, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đạt được, theo Phó Thủ tướng, còn một số khó khăn, tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm thăm dò và sự phát triển chung của Tập đoàn. Nguồn lực cho đầu tư, phát triển của Tập đoàn gặp khó khăn, trong khi cơ chế để tháo gỡ khó khăn cũng chưa hiệu quả. Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện tại đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên.

Theo Phó Thủ tướng, PVN phải phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, bảo đảm hiệu quả các công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, bảo quản, phân phối...

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm về dầu khí, nhất là Dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh, nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất… Đồng thời, PVN đẩy nhanh các dự án điện trọng điểm như Long Phú 1, Thái Bình 2... và các dự án lớn khác.

Tập đoàn cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án làm ăn thua lỗ, cả ở trong nước và nước ngoài. Cùng với đó, mở rộng thị trường để phát triển, tăng cường hợp tác với nước ngoài. PVN tiếp tục rà soát, tái cấu trúc, đổi mới, sáng tạo, đặc biệt bố trí nguồn nhân lực, tạo sự đoàn kết, đồng lòng để phát triển.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cần làm tốt công tác chăm lo đời sống, lợi ích của người lao động, để từ các chuyên gia đến các cán bộ, công chức đều yên tâm cống hiến, phấn đấu, phát triển Tập đoàn, luôn coi Tập đoàn là ngôi nhà chung đáng tin cậy.

Nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2019 đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là rất nặng nề, Phó Thủ tướng cho rằng, với truyền thống vẻ vang của ngành dầu khí Việt Nam, với những kết quả rất khích lệ của năm 2018 và khí thế mới của mùa xuân mới, nhất định Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ thực hiện nhiệm vụ 2019 với kết quả cao nhất, xứng đáng với sự trông đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi đến toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành dầu khí và gia đình lời chúc mừng năm mới mạnh khoẻ, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng./.