In bài viết

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 16/4.

17/04/2019 09:00

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Diễn đàn về hợp tác xã nông nghiệp

Ngày16/4 tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chủ trì Diễn đàn “Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá quy mô HTX nông nghiệp trong vùng đã tăng về thành viên, vốn và diện tích. Tuy tốc độ tăng thành viên còn nhỏ nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX nông nghiệp của vùng cao hơn các khu vực khác của cả nước, đạt 1,07 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận đạt 154 triệu đồng/năm.

Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị chính quyền, các doanh nghiệp và HTX tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn việc phát triển HTX nông nghiệp theo cơ chế thị trường và thích ứng với BĐKH để củng cố vai trò chiến lược về sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, quán triệt rõ hơn vai trò của HTX kiểu mới, không làm triệt tiêu vai trò của kinh tế hộ mà gia tăng hơn lợi ích cho hộ gia đình để chính quyền, doanh nghiệp vun đắp, phát triển các mô hình mới này.

“Nếu Nhà nước bỏ mặc HTX tự phát triển là sai lầm. Phải tạo điều kiện HTX phát triển theo thị trường và gia tăng sự trợ giúp của doanh nghiệp vì chính lợi ích của doanh nghiệp. Động cơ của HTX là lợi ích, liên kết thay vì hoạt động cá thể”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Qua khảo sát tại xã Mỹ Đông 2 vào chiều 15/4, Phó Thủ tướng cho rằng, nhờ liên kết trong một khối, các hộ, xã viên cùng điều chỉnh lịch thời vụ, thực hiện một quy trình canh tác lúa và sử dụng một loại giống lúa chịu hạn tốt không chỉ gia tăng lợi nhuận mà còn giảm thiểu tác động BĐKH.

Trưởng Ban Chỉ đạo cũng nêu rõ vai trò đi đầu, quan trọng của địa phương và doanh nghiệp để chăm lo, phát triển HTX với hàng loạt các chính sách như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, 58/2018/NĐ-CP và 116/NĐ-CP về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp,...

“Chính sách đã có nhiều rồi và giờ phải hành động thôi. Địa phương phải coi trọng phát triển HTX về chất lượng chứ không chỉ chạy theo số lượng bằng các kế hoạch chi tiết, cụ thể, phân quyền cho từng cấp như cách làm của Đồng Tháp”, Trưởng Ban Chỉ đạo nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu cho Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có việc xoá nợ khê đọng của HTX kiểu cũ, tạo thuận lợi cho HTX chuyển đổi sang mô hình mới; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định tổ chức hoạt động của Quỹ HTX Trung ương và địa phương, có việc bảo lãnh tín dụng cho HTX vay vốn.

Các địa phương dùng nguồn vượt thu hằng năm để bổ sung cho Quỹ phát triển HTX địa phương để nuôi dưỡng các HTX hoạt động hiệu quả, tạo ra nguồn thu lâu dài cho địa phương và xã viên.

Bộ NN&PTNT nghiên cứu triển khai một hội nghị chuyên đề về tín dụng cho nông nghiệp, trong đó có HTX; nghiên cứu xây dựng nghị định riêng của Chính phủ về HTX nông nghiệp.

Bộ KH&ĐT ban hành thông tư hướng dẫn về hoạt động của kinh tế trang trại, giúp liên kết giữa các hộ nông dân, kinh tế trang trại với HTX. Các Bộ KH&CN và TN&MT phối hợp xây dựng môi trường sáng tạo-khởi nghiệp cho các HTX.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Đồng Tháp

Chiều 16/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp về các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương, năm 2018 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,91%, tổng giá trị sản phẩm đạt 52.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43 triệu đồng/năm, vượt kế hoạch đề ra là 39,82 triệu đồng.

Mặc dù còn khó khăn, nhưng Đồng Tháp đã vượt thu ngân sách 7% so với năm 2017, đóng góp vào kết quả chung thu ngân sách của cả nước trong năm ngoái, đồng thời đầu tư vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn hàng trăm tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,28%, thấp hơn bình quân của cả nước đang ở mức 5%.

Hết quý I/2019, kinh tế của Đồng Tháp tiếp tục có bước tăng trưởng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, bán lẻ, thu ngân sách. Tình hình an ninh, chính trị tiếp tục ổn định.

Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, đội ngũ lãnh đạo của tỉnh đang nỗ lực thực hiện là chuyển tư duy của bà con nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp và đã đạt kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, kinh tế của địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi “cú hích” là hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư đầy đủ, gây cản trở tới phát triển của Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

“Đồng Tháp là tỉnh ngập sâu nhất tới 4,5-5m, ngập lâu nhất nên không có hạ tầng thì khó thu hút được các nhà đầu tư nhà máy; chưa kể tới hệ thống giao thông còn hạn chế để kết nối với Cần Thơ, TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ”, ông Hoan bày tỏ và cho biết 4 quốc lộ đi qua Đồng Tháp đã xuống cấp, lạc hậu, không rộng bằng đường tỉnh.

Do đó, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ GTVT và Chính phủ đầu tư tuyến đường bộ cao tốc mới An Hữu-Cao Lãnh, cầu Sở Thượng 2 trên tuyến Quốc lộ N1 và dự án Quốc lộ 30 đoạn tuyến tránh thành phố Cao Lãnh.

Đánh giá kết quả kinh tế-xã hội toàn diện của tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả này đến từ sự chủ động vào cuộc của lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành và người nông dân của Đồng Tháp trong nhiều năm qua.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với những trăn trở của Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan về những yếu kém của hạ tầng đã hạn chế hiệu quả của những nỗ lực trong cơ cấu lại nông nghiệp, thu hút các nhà đầu tư các cơ sở chế biến lớn trong vùng ĐBSCL, trong đó có Đồng Tháp.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh nhanh chóng làm việc với Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để tính toán kế hoạch, phương án đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo đó, triển khai dự án cao tốc An Hữu-Cao Lãnh theo hình thức PPP, Bộ KH&ĐT bố trí vốn để Bộ GTVT hoàn thành dứt điểm Quốc lộ 30 tuyến tránh Cao Lãnh, sử dụng vốn dự phòng đầu tư công trung hạn để triển khai dự án cầu Sở Thượng 2 để tạo sự lan toả cho kinh tế của Đồng Tháp và các tỉnh lân cận.

Phó Thủ tướng đề nghị Đồng Tháp quán triệt thực hiện Nghị quyết số 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó coi trọng vấn đề quản trị nguồn nhân lực; không ngừng nỗ lực cải cách hành chính để giữ vững và tiến tới dẫn đầu xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Phó Tổng thống Cộng hòa Seychelles

Ngày 16/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp Phó Tổng thống Cộng hòa Seychelles Vincent Mériton.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng Chính phủ và nhân dân Saychelles đã giữ vững môi trường ổn định, gặt hái nhiều thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành quốc gia có mức thu nhập đầu người hàng đầu châu Phi và điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong chiến lược hội nhập, phát triển của mình, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn mở rộng hợp tác với các nước châu Phi trong đó có Seychelles, những người bạn luôn sát cánh và ủng hội Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Năm 2019 đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Phó Thủ tướng vui mừng nhận thấy kể từ khi thiết lập quan hệ đến nay, quan hệ hai nước không ngừng củng cố và phát triển. Đặc biệt là từ sau chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Seychelles James Alix Michel (8/2013), hợp tác giữa hai nước có nhiều bước tiến quan trọng. Seychelles là một trong những nước châu Phi có nhiều dự án nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị các dự án còn ở mức khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, hai nước cần tập trung nâng cao hiệu quả triển khai các thỏa thuận đã ký trong các lĩnh vực thương mại, văn hóa – du lịch, đào tạo.

Hoan nghênh việc hợp tác giữa các địa phương hai nước dựa trên thế mạnh và nhu cầu mỗi bên, điển hình là thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Victoria, Phó Thủ tướng cho rằng, thành công của dự án này sẽ là mô hình để hai bên nhân rộng và phát triển ra các địa phương khác của hai nước.

Phó Thủ tướng đề nghị hai nước quan tâm thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường giao lưu nhân dân; phát huy truyền thống hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế; đề nghị Seychelles ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020- 2021.

Đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của Seychelles trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại Liên minh châu Phi (AU) và Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trong thời gian tới Seychelles ủng hộ Việt Nam thiết lập quan hệ với Liên minh Châu Phi.

Tại buổi tiếp, Phó Tổng thống Seychelles Vincent Mériton cũng chia sẻ một số nội dung về phát triển kinh tế xanh, trái phiếu xanh trong khai thác tài nguyên biển; phát triển thủy sản bền vững,... Đồng thời cho biết, Seychelles muốn trở thành cửa ngõ kết nối các nền kinh tế với châu Phi, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.

Được biết, Việt Nam và Cộng hòa Seychelles lập quan hệ ngoại giao ngày 16/8/1979. Hai nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2005), Hiệp định Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật (2010); Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (2011), Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Văn hóa - Du lịch, Biên bản ghi nhớ giữa thành phố Hà Nội và thành phố Victoria, Biên bản ghi nhớ giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp, Hiệp định hợp tác Hàng không giữa hai Chính phủ (2013)…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Tổng giám đốc Tập đoàn Marubeni

Ngày 16/4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp ông Masumi Kakinori, tân Tổng giám đốc Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản).

Chúc mừng ông Masumi Kakinori mới được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tập đoàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc Marubeni coi Việt Nam là thị trường quan trọng ở châu Á, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu hàng hóa, năng lượng, chế biến thực phẩm và dệt may…

Phó Thủ tướng cho rằng, sự phát triển của Marubeni tại Việt Nam là minh chứng cụ thể cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp, thực chất và toàn diện trên mọi lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao.

Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản cũng là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất (tổng số vốn khoảng 30 tỷ USD), nhà đầu tư thứ 2 (với 4.020 dự án, tổng vốn đăng ký 57 tỷ USD), đối tác du lịch thứ 3 (khoảng 800.000 khách du lịch Nhật Bản và 200.000 khách Việt Nam), đối tác thương mại song phương thứ 4 (năm 2018 đạt 38 tỷ USD).

 “Việt Nam hết sức coi trọng hợp tác kinh tế với Nhật Bản, đánh giá cao doanh nghiệp Nhật Bản trong việc mở rộng đầu tư ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam rất có uy tín và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

Trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn Marubeni và các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tăng cường đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ. Với Marubeni, Phó Thủ tướng gợi ý tập đoàn có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng sản xuất, phân phối các sản phẩm Việt ra thị trường Nhật Bản và thế giới.

“Chính phủ Việt Nam quyết tâm tiếp tục nỗ lực triển khai mạnh mẽ các biện pháp để cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, qua đó tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phát biểu tại buổi tiếp, ông Masumi Kakinori cảm ơn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ Tập đoàn Marubeni trong thời gian qua. Tổng Giám đốc Marubeni khẳng định mong muốn tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: Xuất nhập khẩu, phát triển nguồn điện; chuỗi các dự án khí hóa lỏng; sản xuất - kinh doanh nước sinh hoạt, xử lý nước thải, nước ngầm...

Tập đoàn Marubeni cũng mong muốn sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng đầu tư ra nhiều lĩnh vực khác./.