Ngày 1/7, tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Bình (1/7/1989-1/7/2019), 70 năm ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-14/7/2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đoàn quốc tế cùng lãnh đạo và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu bật những công lao, đóng góp của Quảng Bình trong tiến trình lịch sử của đất nước. Sau 30 năm tái lập tỉnh, mặc dù xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm phấn đấu rất cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình luôn thống nhất một lòng, cần cù, sáng tạo, khai thác tốt thế mạnh, tiềm năng, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.
Những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình trong 30 năm qua đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của vùng đất nghèo khó năm xưa, tạo tiền đề để Quảng Bình tiếp tục bứt phá phát triển nhanh và bền vững, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và hội nhập.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng những kết quả to lớn, toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Đây là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng, thể hiện công sức, trí tuệ của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quân và dân tỉnh Quảng Bình.
Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, đất nước đang đứng trước thời cơ và thách thức mới với việc bước vào giai đoạn phát triển mới và hội nhập quốc tế sâu rộng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình cần phát huy cao độ truyền thống của quê hương “quật khởi”, quê hương “hai giỏi”, năng động, sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, nỗ lực phấn đấu quyết liệt hơn nữa để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chuẩn bị đại hội đại biểu các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Bình tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ, các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ có lợi thế, phấn đấu đưa công nghiệp thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, trong đó, ưu tiên các ngành công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo, khai thác, chế biến gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ mà tỉnh có lợi thế. Quan tâm hơn nữa thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là doanh nghiệp từ các nước công nghiệp phát triển; công nghệ hiện đại, hiệu quả kinh tế cao, xử lý tốt vấn đề môi trường.
Thứ hai, tăng cường kết nối, liên kết mở rộng không gian phát triển với các địa phương, nhất là với các tỉnh, thành phố phát triển của cả nước; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, bảo đảm tốt các cam kết với các nhà đầu tư.
Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ du lịch, dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, lưu ý khai thác quần thể các hang động khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng và Sơn Đoòng với bề dày truyền thống lịch sử hào hùng cùng các trầm tích văn hóa đa dạng thực sự khoa học, hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm phát triển bền vững, bảo tồn và duy trì sự đa dạng của Di sản thiên nhiên thế giới và môi trường sinh thái.
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng; tập trung phát triển nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Mở rộng hợp tác quốc tế và các địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất; chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, làm nền tảng để phát triển nhanh và bền vững. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng nghề cá, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão và các cơ sở chế biến thủy sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Thứ tư, quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chăm lo bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, chống tái nghèo. Làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo…
Thứ năm, tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”, bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ sáu, tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ tỉnh thật sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức trung thành, tận tuỵ, liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Với truyền thống cách mạng vẻ vang và thành tựu đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình tiếp tục phát huy truyền thống Quảng Bình “quật khởi”, Quảng Bình “hai giỏi”, đoàn kết, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới toàn diện, tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhân dịp này, tỉnh Quảng Bình vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
*Nhân chuyến công tác tại Quảng Bình, chiều ngày 1/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã đến thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng trên địa bàn tỉnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại Hà Tĩnh
Ngày 1/7, tại TP. Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV với đông đảo cử tri thuộc ngành y tế địa phương.
Cùng tham dự còn có Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn và Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.
Sau khi thông báo tới cử tri về kết quả Kỳ họp thứ 7, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề với ngành y tế của tỉnh nhằm ghi nhận các ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội thảo luận, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại các kỳ họp thứ 9 và 10 vào năm 2020.
Thay mặt các vị đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến của cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước luôn ưu tiên thực hiện độ bao phủ và nâng cao chất lượng của dịch vụ y tế, giáo dục theo nguyên tắc thị trường và có sự quản lý của Nhà nước, trong đó vai trò quản lý của Nhà nước rất quan trọng.
“Đây là 2 lĩnh vực Nhà nước không “buông” được, không để những thay đổi gây “sốc” với xã hội”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Hiện nay, Trung ương đã có Nghị quyết số 20 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, Nghị quyết số 21 về nâng cao chất lượng dân số và Nghị quyết số 19 về sắp xếp đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công, trong đó có các cơ sở khám chữa bệnh. Phó Thủ tướng đánh giá tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện rất tốt các Nghị quyết của Trung ương để tạo ra chuyển biến trong khám, chữa bệnh cho người dân.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu các quan điểm lớn trong lĩnh vực này là xã hội hóa trong lĩnh vực y tế nhưng phải bảo đảm công khai, bình đẳng lợi ích của các bên; sớm sửa đổi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng chỉ quy định tự chủ về tài chính để Chính phủ có căn cứ sửa đổi Nghị định 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở công lập.
Về lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT), Phó Thủ tướng nhấn mạnh Quỹ BHYT chỉ được chi cho chữa bệnh và khám bệnh, không được chi sử dụng y tế dự phòng, bởi y tế dự phòng là nhiệm vụ chi của Nhà nước, thậm chí cả các chi phí về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ bảo đảm thanh toán đầy đủ, kịp thời với các dịch vụ y tế được triển khai đúng luật, đồng thời kiên quyết chống gian lận và trục lợi từ Quỹ.
Đối với nhu cầu tăng mệnh giá bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng cho biết hiện nay gần 90% dân số có thẻ BHYT nhưng ngân sách Nhà nước chi tới 80% để hỗ trợ người dân nên từ nay tới hết năm 2020 chưa thể tăng mệnh giá (hiện nay bình quân mệnh giá BHYT của ta là 40 USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực). Chia sẻ với cử tri ngành y, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu điều chỉnh tăng mệnh giá này trong giai đoạn tới.
*Cũng trong ngày 1/7, sau khi tiếp xúc cử tri Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục thị sát kiểm tra tình hình chữa cháy rừng khi lửa lại bùng lên ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ. Trước đó, nhân chuyến công tác, tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội, chiều 30/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thị sát, kiểm tra công tác chữa cháy rừng tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Quan sát điểm cháy cuối cùng ở xã Trường Sơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các lực lượng chữa cháy tiếp tục dập lửa dứt điểm các điểm còn âm ỉ, không để lửa bùng lại trong ngày hôm nay và lan sang khu vực rừng có đường dây 500 kV (cách các điểm cháy khoảng 500 m - PV).
Trong khi bàn phương án với các lực lượng chữa cháy tại hiện trường, trả lời ý kiến của phóng viên về việc sử dụng trực thăng chữa cháy rừng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã nhận được ý kiến này nhưng thấy rằng chữa cháy bằng trực thăng phải cần sử dụng liên tiếp từ 3 đến 5 chiếc dội nước liên tục ở một điểm cháy, trong khi đó tình trạng cháy rừng phủ rộng trên nhiều huyện của nhiều tỉnh việc huy động trực thăng là khó khăn.
Không chỉ vậy, tình hình gió phơn Tây Nam thổi mạnh trong suốt thời gian qua cũng ảnh hưởng tới khả năng tháo nước trúng điểm cháy, đặc biệt là ảnh hưởng tới an toàn bay nên Chính phủ chưa điều động trực thăng của Binh đoàn 18, Tổng công ty Bay Bộ Quốc Phòng ứng cứu.
“Với tình hình cháy ở các điểm diện rộng như vậy thì huy động các lực lượng tại chỗ và dập lửa bằng các thiết bị máy thổi, cưa xăng là hiệu quả hơn cả. Trong tháng 7 này thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt, các tỉnh không chủ quan, tính toán nhu cầu sử dụng thiết bị chữa cháy này để báo cáo Chính phủ duyệt chi đột xuất”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh có rừng bị cháy rà soát, xác định và phân loại các loại rừng đã bị cháy để tính toán phương án hỗ trợ cho bà con trồng rừng. Bên cạnh đó, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn giữ vững tinh thần sẵn sàng để ứng phó với mưa lũ, biển động vì áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới đây.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt với nhân dân việc không được đốt rơm rạ trong nắng nóng khi trên đường đi thị sát vào xã Trường Sơn, ông vẫn thấy người dân đốt rạ trên đồng ruộng, dễ gây hoả hoạn với rừng và khu dân cư./.