In bài viết

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 19/8/2019.

20/08/2019 09:03
Phó Thủ tướng Thường trực làm việc tại Tây Ninh

Ngày 19/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tây Ninh về công tác dân vận chính quyền, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện các bộ, ngành và tỉnh Tây Ninh, phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả về các mặt kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hoá-giáo dục, nâng cao đời sống nhân dân… của tỉnh Tây Ninh trong 6 tháng đầu năm 2019.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận: Thực hiện “Năm dân vận chính quyền 2019” với chủ đề là giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Tây Ninh đã xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng; qua đó nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, phát hiện những bất cập của chính sách pháp luật, chấn chỉnh những tồn tại trong quản lý Nhà nước, xử lý vi phạm của cán bộ công chức nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho thủ trưởng các cấp, các ngành, tăng cường công tác tiếp công dân theo đúng qui định của pháp luật, chất lượng và hiệu quả qua công tác tiếp công dân được nâng lên; tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, công tác kiểm tra, xác minh, đối thoại công khai, dân chủ đối với người khiếu nại ở cả hai cấp, góp phần giải quyết được nhiều vụ việc ngay từ cơ sở. Số lượt người và số vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân qua hoạt động tiếp công dân đã giảm đáng kể

Tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát việc thực hiện công tác dân vận chính quyền, quy chế dân chủ cơ sở trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Mở lớp tập huấn về quy chế dân chủ cho chủ tịch, phó chủ tịch MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn và 01 lớp về dân vận cho 104 cán bộ, công chức bộ phận “Một cửa” cấp xã, cấp huyện. Công tác hoà giải cơ sở tiếp tục được MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn và ban công tác mặt trận ấp, khu phố phối hợp thực hiện (tiếp nhận 286 vụ việc, vận động rút 4 đơn, đưa ra hòa giải 282 vụ việc; hòa giải thành 213/282 vụ việc, đạt 75,5%; 69 vụ việc không thành đã chuyển cấp trên giải quyết).

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy được nâng cao nhưng tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn diễn biến phức tạp; chất lượng giải quyết lần đầu ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, dẫn đến công dân không đồng tình, tiếp tục khiếu nại, tố cáo; nhiều vụ việc giải quyết chậm, mới chỉ chú trọng giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến bản chất vụ việc, giải quyết dứt điểm.

Đề cập đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý: Là địa bàn giao thương quan trọng của các tỉnh phía nam, đặc biệt là qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài nơi hằng ngày lượng người, hàng hóa qua lại với số lượng lớn, Tây Ninh cùng với Long An nổi lên là địa bàn có hoạt động buôn lậu, vận chuyển thuốc lá điếu ngoại. Tây Ninh cũng là nơi các đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ Campuchia vào Việt Nam, hoạt động buôn lậu lợi dụng tạm nhập tái xuất, quá cảnh hàng hóa qua biên giới tập trung tại các kho chờ cơ hội tuồn vào nước ta.

Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, bất cập trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống, đấu tranh. Đó là, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, có lúc, có nơi buông lỏng, thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, dẫn đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới còn phức tạp; trong nội địa sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu diễn ra tại địa phương. Thiếu quyết liệt trong việc điều tra, triệt phá đường dây buôn lậu thuốc lá. Các vụ việc xử lý liên quan đến thuốc lá lậu trong thời gian qua chỉ mới dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê.

Phó Thủ tướng Thường trực đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp căn cơ đối với công tác này. Cụ thể, các cấp chính quyền tập trung nghiên cứu, có biện pháp về chính sách kêu gọi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân để không bị các đối tượng buôn lậu dụ dỗ vận chuyển hàng hoá buôn lậu, thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên, có ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vùng khó khăn, vùng biên giới để xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị và phát triển, tuyên truyền mạnh mẽ hơn để nhân dân từng bước thay đổi nhận thức để không tham gia vận chuyển hàng lậu, tiếp tay cho buôn lậu. Các lực lượng phải có nghiệp vụ giỏi để đánh cho trúng, cho đúng đối tượng và hàng hoá buôn lậu, làm tốt công tác dân vận để người dân tham gia và tố giác tội phạm.

Về quốc phòng, an ninh trật tự và phòng chống tội phạm, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, Tây Ninh đã thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện. Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh làm điểm của cả nước theo chỉ đạo của Trung ương; tăng cường phối hợp phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trên biên giới.

Về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, tỉnh Tây Ninh tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí và năm dân vận chính quyền 2019. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp kéo dài, các vụ việc phát sinh mới để góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương và ở Trung ương.

Chú trọng công tác đối thoại, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; vận động, giải thích người dân ủng hộ, chấp hành các quyết định hợp tình, hợp lý của địa phương; tăng cường sự giám sát của Mặt trận, đoàn thể, cơ quan dân cử; kiểm tra trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động đối ngoại; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết và kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay; nhất là Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 của Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Văn bản số 281/TB-VPCP ngày 06/8/2019 của VPCP). Nghiêm túc đánh giá những hạn chế trong công tác này, xác định rõ nguyên nhân từ đó đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác thời gian tới.

“Tập trung triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đang tồn tại trên địa bàn, nhất là các đường dây buôn lậu thuốc lá. Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong nội bộ lực lượng chức năng; kiên quyết xử lý nghiêm, loại ra khỏi bộ máy những công chức tha hóa, bao che, bảo kê cho tội phạm, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Đồng thời, quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, nhất là công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo, có giải pháp giảm nghèo bền vững. Chăm lo tốt các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về giải ngân đầu tư công

Ngày 19/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành và lãnh đạo hai thành phố Hà Nội và TPHCM để đốc thúc tình hình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn đang rất chậm trong thời gian qua.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, trong 7 tháng qua, cả nước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước đạt 134.494 tỷ đồng, đạt 31,32% so với kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây.

Trong đó, tỉ lệ giải ngân vốn trong nước cũng thấp, chỉ đạt 35% kế hoạch Quốc hội giao. Đặt biệt, tỉ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài rất thấp, chỉ đạt 8,6% kế hoạch của năm.

Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong chỉ đạo triển khai và một phần do các dự án, gói thầu mới cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình Bộ KH&ĐT đã chậm trễ trong tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công, đồng thời không báo cáo cụ thể các nguyên nhân chậm giao vốn và giải pháp khắc phục.

“Kiểm toán Nhà nước có kết luận không bố trí được 2.400 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các vùng từ tháng 9 năm ngoái mà tới nay Bộ KH&ĐT chưa trình, sửa được Quyết định số 1256 của Thủ tướng. Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ của Bộ phải chịu trách nhiệm về việc này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Ngoài ra, với việc giao vốn chậm cho các địa phương, bộ ngành hay doanh nghiệp Nhà nước thực hiện các dự án khác, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ KH&ĐT và Vụ trưởng của các Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ Kinh tế  đối ngoại trong đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các dự án.

“Tình hình cấp bách nóng bỏng. Giải ngân vốn đầu tư công đã là áp lực nội tại của Chính phủ rồi. Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này nhưng giải ngân còn chậm hơn cả cùng kỳ các năm trước. Các đồng chí có thấy vô cảm không?”, Phó Thủ tướng gay gắt nói và nhấn mạnh các yếu kém trong quản lý đầu tư của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, yếu kém của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là vấn đề nghiêm trọng phải được xoá bỏ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ hết 35.000 tỷ đồng vốn chưa giao trong tháng 8 này; trước 30/9/2019 trình Thủ tướng Chính phủ việc huỷ kế hoạch giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án “không chịu” giải ngân; trước 10/10/2019 báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án đang cần vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ các bộ, ngành và địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành có nhu cầu bổ sung vốn và tỉ lệ giải ngân cao; rà soát, tính toán kế hoạch đầu tư công năm 2020 sát thực tế từng bộ, ngành địa phương.

Bộ Tài chính công khai tình hình giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án; chủ động kiểm soát, thống kê số liệu giao vốn tại Kho bạc Nhà nước, tháo gỡ khó khăn về đàm phán vốn vay nước ngoài và phối hợp giao vốn, điều chỉnh vốn vay của các bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo công điện của Thủ tướng Chính phủ về đốc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và cho biết ngày 15/9 tới, Chính phủ sẽ họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm nạn nhân chất độc da cam

Chiều 19/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác đã thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam/dioxin hai huyện Đông Hoà, Tây Hoà, tỉnh Phú Yên, nhân Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2019.

Phú Yên hiện có 11.380 người bị tật nguyền do phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó có 187 gia đình có từ 2-4 nạn nhân bị phơi nhiễm. Có 5.731 người được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên. Phần đông các nạn nhân có độ tuổi từ 50-70, sức khỏe yếu. Nhiều người có con, cháu bị dị dạng, dị tật không tự lực được trong sinh hoạt. Tiền chữa bệnh hằng tháng chiếm tỉ lệ rất cao so với thu nhập, nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn... Vì thế, nhiều nạn nhân đang từng ngày vật lộn với đau đớn, bệnh tật, sống trong cảnh nghèo khó.

Riêng hai huyện Đông Hoà, Tây Hoà có gần 3.200 người bị phơi nhiễm, ảnh hưởng, di chứng của chất độc da cam. Trong đó có khoảng 1.600 người hưởng chế độ chính sách, trợ cấp xã hội thường xuyên.

Để làm vơi bớt khó khăn cho những gia đình nạn nhân chất độc da cam, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Phú Yên đã tích cực vận động các cấp, ngành, địa phương, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cộng đồng thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực như: Tặng học bổng; cho vay vốn, tạo việc làm cho những người có khả năng lao động; thăm khám chữa bệnh; sửa chữa, xây nhà mới… Sự đồng hành, đoàn kết, nghĩa tình đã phần nào giúp các gia đình nạn nhân giảm bớt khó khăn, mất mát.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ cảm phục ý chí của những gia đình có người bị phơi nhiễm, bị ảnh hưởng chất độc da cam, trong đó có nhiều người là cựu chiến binh, luôn vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Hoàn cảnh của nhiều gia đình hết sức éo le khi di chứng chất độc da cam ảnh hưởng đến cả thế hệ thứ hai, thứ ba. Không chỉ một mà nhiều thành viên gia đình cũng bị di chứng chất độc da cam.

Phó Thủ tướng cho biết: Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm. So với thế giới, đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai, liên tục trong hơn 20 năm. Tuy nhiên, trước những hậu quả nặng nề của chiến tranh nên chúng ta vẫn còn rất nghèo. Vì vậy, dù hết sức cố gắng nhưng các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội… vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của mọi gia đình.

Riêng đối với các nạn nhân chất độc da cam, đến nay vẫn còn nhiều người chưa đủ điều kiện để nhận trợ cấp xã hội thường xuyên.

“Chúng ta cần phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” để hỗ trợ ở mức tối đa có thể giúp các nạn nhân có thêm điều kiện vượt qua khó khăn”, Phó Thủ tướng kêu gọi và biểu dương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với Hội Nạn nhân chất độc da cam thường xuyên có nhiều hoạt động hướng về các đối tượng chính sách, nạn nhân chất độc da cam. Cùng với đó là sự đồng hành của các nhà tài trợ, trước hết là các doanh nghiệp lớn, trong đó nhiều đơn vị tiên phong đi đầu là doanh nghiệp Nhà nước.

“Mong rằng cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Nhà nước thường xuyên chăm lo, giúp đỡ về vật chất, thời gian, tinh thần, tình cảm cho những đối tượng thiệt thòi, khó khăn”, Phó Thủ tướng mong muốn và gửi lời cảm ơn đến những người dân, bà con lối xóm hằng ngày luôn sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ các gia đình nạn nhân chất độc da cam.

Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan, trong đó có ngành LĐTB&XH, y tế, cùng phối hợp, sớm làm các công việc cần thiết để tiếp tục xác định các đối tượng bị di chứng, ảnh hưởng chất độc da cam cần đưa vào diện hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp với các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng để giúp bà con vươn lên.

“Sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm có bao nhiêu cũng không bù đắp hết những thiệt thòi, mất mát của những người bị nhiễm chất độc da cam. Chúng ta hãy cố gắng cùng nhau vượt qua khó khăn, đóng góp cho xã hội trước hết bằng nghị lực của mình, từ đó lan toả những điều tốt đẹp cho xã hội”, Phó Thủ tướng nói./.