Ngày 4/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tại các xã La Bằng và Phú Xuyên thuộc huyện Đại Từ.
Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian thông tin đến cử tri những nội dung quan trọng của kỳ họp vừa qua, nhất là những điểm mới của các bộ luật và nghị quyết vừa được thông qua,tình hình phát triển kinh tế-xã hội, công tác đối ngoại của đất nước.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, năm 2019, mặc dù tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm, căng thẳng thương mại gia tăng… nhưng nền kinh tế nước ta tiếp tục đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Cụ thể, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao. Dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt trên 6,8% trong khi xuất khẩu, nhất là vào các thị trường trọng điểm tiếp tục tăng trưởng cao, góp phần đưa thặng dư thương mại lên con số kỷ lục trên 9 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm.
Nhiều chỉ số quan trọng tiếp tục được cải thiện, trong đó chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc lên vị trí 67 toàn cầu; chỉ số đổi mới sáng tạo đứng thứ 42; chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin tăng hơn 50 bậc… Việt Nam còn được đánh giá là một trong 8 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.
Công tác đối ngoại tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo dựng vị thế mới của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, trong đó quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống tiếp tục được đưa vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc biên giới lãnh thổ, chủ quyền biển đảo.
Khuôn khổ quan hệ với các đối tác tiếp tục được mở rộng và nâng cấp thông qua việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Brunei, Hà Lan, nâng tổng số Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện lên 30 quốc gia.
Hội nhập quốc tế và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển có bước đột phá mới cả về lượng và chất với việc Hiệp định CPTPP chính thức được triển khai, Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư được ký kết.
Đối ngoại đa phương đạt được những kết quả quan trọng, bước đầu thể hiện tinh thần của Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao (192/193) cho thấy sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế và khả năng đóng góp giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực của Việt Nam.
Về công tác biên giới lãnh thổ, với tỷ lệ 100% tán thành, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia cùng với Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liên giữa hai nước.
Những văn kiện trên một mặt khẳng định thành quả của công tác phân giới cắm mốc trong suốt nhiều năm qua đồng thời là cơ sở pháp lý để bảo vệ đường biên giới, tạo điều kiện ổn định đời sống của cư dân biên giới hai nước.
Công tác bảo hộ công dân, Người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh trong bối cảnh số lượng người Việt Nam ra nước ngoài học tập và làm việc ngày càng tăng. Chính phủ cũng đã nỗ lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc đưa 39 nạn nhân thiệt mạng tại Vương quốc Anh về nước trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong buổi tiếp xúc cử tri, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thông tin đến cử tri những diễn biến gần đây trên Biển Đông và những nỗ lực của Việt Nam để duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.
Những thành tựu đạt được trong năm 2019 tạo cơ sở vững chắc để đất nước hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 5 năm 2016-2020.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đến thăm hợp tác xã chè La Bằng - nơi sản xuất ra những sản phẩm chè hữu cơ chất lượng cao và đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ - nơi công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời của Ngày Thương binh liệt sĩ cách đây 72 năm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại Đắk Nông
Chiều 4/12, tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW (Đoàn 1152) đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông.
Buổi làm việc nhằm thông báo dự thảo báo cáo kết luận của Đoàn kiểm tra 1152 tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tham dự buổi làm việc còn có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp - Phó Trưởng đoàn 1152, lãnh đạo các vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Nông.
Theo Phó Trưởng đoàn 1152 Nguyễn Sỹ Hiệp, qua kiểm tra tại Đắk Nông, đoàn kiểm tra đánh giá Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các huyện ủy, thị ủy, đảng uỷ trực thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc Nghị quyết số 26-NQ/TW gắn với Nghị quyết số 18-NQ/TW, tạo đồng thuận trong quá trình thực hiện các nghị quyết.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, công chức đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Bên cạnh đó, Đắk Nông làm tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng và HĐND các cấp...
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng cho rằng việc triển khai Nghị quyết ở các tổ chức Đảng mới chỉ tập trung thực hiện những vấn đề đã rõ mà chưa có tính đột phá, chưa thực hiện được một số mô hình, chủ trương thí điểm mới mà nghị quyết đã đề ra; chưa ban hành được chính sách hiệu quả để tạo động lực về sắp xếp bộ máy, thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; việc tạo nguồn cán bộ còn hạn chế đặc biệt là đối với cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số...
Sau khi nghe dự thảo báo cáo và giải trình của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn 1152 đánh giá các thành viên đoàn kiểm tra đã thực hiện đúng quy trình, cách thức kiểm tra và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy thuộc Tỉnh ủy Đắk Nông để xây dựng dự thảo báo cáo kết luận.
Cho biết đợt kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện Nghị quyết này là công việc thường xuyên của Đảng, do Bộ Chính trị giao cho các thành viên làm trưởng đoàn triển khai ở ban thường vụ một số địa phương, bộ, ngành Trung ương, báo cáo Bộ Chính trị trong năm 2019, Trưởng đoàn 1152 đánh giá Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết, tập trung vào các khâu thôn, bản, xã phường. Bên cạnh sắp xếp bộ máy cấp chính quyền thì Đắk Nông tập trung sắp xếp bên trong các cơ quan để giảm cấp trung gian; đạt nhiều kết quả trong sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; có cách thi tuyển cạnh tranh về cán bộ quản lý trong cộng đồng đồng bào dân tộc, bảo đảm cơ cấu tổ chức cán bộ cho nhiệm kỳ tới.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá trong quá trình triển khai các nghị quyết của Trung ương, Đắk Nông vẫn giữ được ổn định chính trị, bộ máy và tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có bước phát triển trong năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thống nhất hành động trong thực hiện Nghị quyết số 26 gắn với Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị Đắk Nông thực hiện đồng bộ với việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương và đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW; Đắk Nông rà soát nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp theo Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, bảo đảm cơ cấu về giới, dân tộc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị Phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 4/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu khai mạc Hội nghị Phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực châu Á- Thái Bình Dương năm 2019.
Hội nghị có sự tham dự của các bộ trưởng, trưởng đoàn, đại biểu, chuyên gia, nhà hoạt động xã hội đến từ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng đại diện của các tổ chức LHQ, các tổ chức khu vực và quốc tế…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, là khu vực phát triển năng động, một trong những trung tâm tăng cường sự liên kết toàn cầu, những năm qua, nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã thảo luận về phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực. Một nhận thức chung được đưa ra là để nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, các nước phải tiếp tục chú trọng hơn nữa tới phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là tới thế hệ tương lai của mỗi đất nước, những chủ nhân tương lai của thế giới.
Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã nỗ lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, luật hoá và thực hiện để bảo đảm trên thực tế đầy đủ các quyền của trẻ em đã được nêu trong Công ước của LHQ về quyền trẻ em. Pháp luật và những chính sách của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đều nhằm dành sự quan tâm và đầu tư tốt nhất cho trẻ em, trong những điều kiện còn rất khó khăn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh để trẻ em có thể phát triển toàn diện, quyền trẻ em được tôn trọng, bảo vệ đầy đủ cần sự nỗ lực của không chỉ những cơ quan, tổ chức trực tiếp liên quan tới trẻ em; thu hẹp khoảng cách giữa những vùng kém phát triển với khu vực phát triển; trang bị đầy đủ thể chất, kiến thức, tâm lý cho các ông bố, bà mẹ… “Trẻ em không chỉ cần được nuôi dưỡng đầy đủ về dinh dưỡng, được học tập, chăm sóc sức khoẻ, vui chơi mà phải được sống trong một môi trường hoà bình, trong sạch, đầy tình yêu thương”.
Tuy nhiên, trên thế giới hiện cứ 6 trẻ em thì có 1 trẻ em sống trong khu vực có xung đột, cứ 7 phút qua đi thì có 1 trẻ em bị tước đi cuộc sống của mình vì bạo hành, 3/4 số trẻ em bị người thân có những hành vi, hoặc bằng hành động, lời nói, thái độ xâm hại, ảnh hưởng tới thể chất, tinh thần của các em... Vì vậy, Phó Thủ tướng nên rõ sự cần thiết phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức quốc tế; các tổ chức, chương trình hoạt động nhân đạo; cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia của từng người dân, từng gia đình trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Các quốc gia đang phát triển, ở những vùng kém phát triển phải tăng cường phổ biến tri thức tới tất cả mọi người, trực tiếp nhất là các ông bố, bà mẹ và những người sẽ làm cha mẹ về trách nhiệm và những kỹ năng cần thiết để sinh, nuôi dưỡng, để tạo cho con cháu mình có thời cơ phát triển toàn diện.
Thông tin tới các đại biểu quốc tế, Phó Thủ tướng cho biết trong suốt những năm vừa qua các cơ quan của LHQ, đặc biệt của Quỹ Nhi đồng LHQ, các tổ chức quốc tế, các quốc gia bè bạn và của cộng đồng doanh nghiệp cùng các tổ chức, cá nhân đã luôn đồng hành với Chính phủ, dành cho trẻ em sự ưu tiên chăm sóc trong những điều kiện còn rất nhiều khó khăn. Nhờ vậy Việt Nam đã đạt được nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn, đặc biệt là những mục tiêu liên quan tới trẻ em, tới bà mẹ trẻ em. Việt Nam đã và đang cam kết mạnh mẽ để thực hiện Chương trình nghị sự của LHQ tới năm 2030, trước hết và đặc biệt với các mục tiêu liên quan đến phát triển trẻ em.
Gần đây nhất, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua một đề án đặc biệt để tập trung phát triển kinh tế-xã hội các vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trong đó các mục tiêu về trẻ em được đề cập cụ thể.
Phó Thủ tướng hy vọng trong hội nghị lần này, các đại biểu sẽ trao đổi những kinh nghiệm, bài học quý báu từ thực tiễn hoạt động, đưa ra những khuyến nghị, hành động thiết thực để trẻ em bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện bằng tất cả những gì tốt nhất, đặc biệt là bằng tình yêu thương. Nhất là trong bối cảnh trên thế giới có rất nhiều sự diễn biến ngày càng khó lường, trong đó phải kể đến các nguy cơ xung đột, bạo lực, ô nhiễm môi trường và cả những vấn đề an ninh phi truyền thống, sự phát triển như vũ bão của mạng Internet, ngoài cơ hội to lớn cho tất cả mọi người, cho trẻ em thì cũng tiềm ẩn rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Phó Thủ tướng khẳng định: Điều quan trọng hàng đầu đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam là nhận thức. Từ nhận thức biến thành hành động để các cấp chính quyền, nhất là ở những vùng còn chưa phát triển, không vì sức ép của tăng trưởng kinh tế, của những vấn đề trước mắt mà không dành sự quan tâm chỉ đạo và nguồn lực, kể cả nhân lực và vật lực, cho công tác trẻ em.
Công tác chăm sóc, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em được phát triển chính là đầu tư cho tương lai, chính là sự phát triển bền vững. Không ai bị bỏ lại phía sau là khẩu hiệu với tất cả chúng ta, đặc biệt là với trẻ em, nhất là trẻ em ở những vùng còn nhiều khó khăn, trẻ em bị thiệt thòi do khuyết tật, do gia cảnh. Không để trẻ em nào không có nụ cười, không có tuổi thơ trong sáng và không có tương lai phát triển./.