Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri Long An
Ngày 3/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tiếp xúc cử tri huyện Đức Huệ và Đức Hòa, tỉnh Long An.
Tại các buổi tiếp xúc, nhiều phát biểu của cử tri đánh giá cao những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong điều hành kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm, nổi bật là kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, công cuộc phòng chống tham nhũng… thời gian qua.
Bên cạnh đó, cử tri cũng nêu nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề: chính quyền tỉnh Long An cần quan tâm hơn nữa tới việc phát triển cơ sở hạ tầng; chính sách với người có công; thu hút đầu tư; giải pháp thích nghi với tình trạng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu; chất lượng và tính hiệu quả các công trình thủy lợi được đầu tư thời gian qua; công tác quản lý chất lượng phân bón; tình hình buôn lậu thuốc lá, an ninh trật tự tại địa bàn giáp biên giới…
Phát biểu với cử tri, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã thông tin tới cử tri về một số kết quả trong điều hành của Chính phủ thời gian qua. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, cùng với sự chung sức, đồng lòng của người dân, tình hình kinh tế - xã hội đất nước vẫn giữ được ổn định.
Kết quả kinh tế 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 2,12%; xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng dương, xuất siêu 9 tháng lên đến gần 17 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh nhiều nước cả khu vực và thế giới tăng trưởng âm thì đây là một kết quả tích cực, cho thấy sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và đây sẽ là tiền đề để chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Phó Thủ tướng cho rằng, đạt được những kết quả tích cực trên là do chúng ta cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, cả trong giai đoạn đầu và khi dịch bệnh tái bùng phát trở lại. Tuy nhiên, để tiếp tục ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 2,5 đến 3% và tạo tiền đề tăng trưởng cao trong năm 2021, cần không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh phòng, chống dịch hiệu quả, Chính phủ đang quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội, nhằm hoàn thành mục tiêu trong những tháng còn lại của năm 2020. Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư nhà nước đóng vai trò quan trọng, đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng, vì vậy, cần đẩy mạnh triển khai mới các dự án lớn sử dụng vốn ngân sách, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn. Và ngay trong ngày cuối tháng 9 vừa qua, các đoạn trên tuyến cao tốc Bắc Nam được chuyển đổi từ hình thức đầu tư PPP sang sử dụng vốn ngân sách đã đồng loạt khởi công, dự án sân bay Quốc tế Long Thành cũng được đẩy nhanh tiến độ để chính thức khởi công…
Theo Phó Thủ tướng, cùng với những chính sách thiết thực về lãi suất ngân hàng, thủ tục hành chính… hỗ trợ doanh nghiệp, việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, đây sẽ là tiền đề thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.
Về vấn đề phòng, chống tham nhũng mà nhiều cử tri quan tâm, Phó Thủ tướng cho biết, kết quả xét xử các vụ án tham nhũng thời gian qua đã cho thấy sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước với loại tội phạm này, đúng với quan điểm “không có vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Liên quan đến thu hút đầu tư của địa phương, theo Phó Thủ tướng, do tác động của dịch COVID-19, thu hút đầu tư nước ngoài của hầu hết các tỉnh, thành vừa qua có giảm, tuy nhiên, môi trường đầu tư của Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư đánh giá tích cực. Do đó, cùng với hàng loạt dự án hạ tầng đang được Chính phủ triển khai, các tỉnh trong vùng cũng cần nâng cấp hạ tầng, mặt bằng để đón làn sóng đầu tư mới sau khi dịch bệnh trên thế giới được khống chế.
Với một số dự án trên địa bàn được nhiều cử tri địa phương quan tâm kiến nghị đầu tư nâng cấp, như tuyến đường N2 đi qua tỉnh, hay quốc lộ 62, theo Phó Thủ tướng, hiện các dự án đã được Bộ Giao thông vận tải đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026. Đây là hai trong số những tuyến giao thông quan trọng trong cả nước sẽ được triển khai sớm trong thời gian tới đây.
Ngoài ra, với những kiến nghị khác, Phó Thủ tướng cho biết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An sẽ tổng hợp để gửi tới các cơ quan liên quan xem xét.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự buổi khám chữa bệnh miễn phí cho người dân khó khăn trên địa bàn, trao xe đạp cho học sinh nghèo trên địa bàn huyện Đức Huệ; trao 15 căn nhà tình thương cho các hộ dân ở Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ và thành phố Tân An. Mỗi căn trị giá 50 triệu đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 3/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc (3 cấp) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài điểm cầu tại trụ sở Chính phủ, còn có các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trụ sở UBND các quận, huyện, thị xã.
Trao đổi trực tiếp với lãnh đạo địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta thực hiện mục tiêu kép, phải tuyệt đối an toàn vì nếu có dịch thì mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đó đây đã xuất hiện tâm lý chủ quan, nơi lỏng không chỉ trong xã hội mà cả trong cơ quan nhà nước. Chúng ta đã có bài học Đà Nẵng và không để bài học đấy trở thành vô nghĩa.
Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài sang năm 2021 như dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác.
Phó Thủ tướng nêu ba bài học chung nhất đã được tất cả các nước trên thế giới đúc kết trong phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, đeo khẩu trang là biện pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Việc phát hiện nhanh, truy vết, cách ly người nhiễm trong thời gian sớm nhất là biện pháp có tính chất quyết định. Giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng để làm chậm tốc độ lây lan dịch.
Một số kinh nghiệm lớn được rút ra trong công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam thời gian qua là có hệ thống chính trị chỉ đạo xuyên suốt, sự vào cuộc của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành, đoàn thể chính trị-xã hội… Nhân dân ủng hộ, tham gia và có nhiều nghĩa cử cảm động. Chúng ta có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, thường xuyên trong nghiên cứu, phân lập virus, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, vaccine, phác đồ điều trị…
Chiến lược của Việt Nam là chiến lược của một nước nghèo nên các biện pháp phòng, chống dịch được đặt cao hơn một mức, sớm hơn một bước so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Bằng công nghệ thông tin, các lực lượng phòng, chống dịch đã được kết nối chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, giữa các ngành để truy vết, theo dấu ca nhiễm, hỗ trợ điều trị từ xa.
Quan trọng nhất là lực lượng quân đội, tiếp đó là lực lượng công an đã tham gia phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu cùng với lực lượng y tế. Đây là điểm độc đáo trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam, tới đây phải tiếp tục phát huy.
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới chúng ta phải làm tốt hơn nữa 5 nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất có thể.
Dịch không trừ một ai, một địa phương nào. Không chỉ riêng Đà Nẵng mà tỉnh nào cũng có thể xuất hiện dịch. Tuy nhiên, bài học rút ra từ Đà Nẵng là dù chúng ta đã cảnh báo phải giữ tuyệt đối an toàn các cơ sở y tế, đặc biệt là các khoa hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, có nhiều bệnh nhân nặng, có bệnh nền dài ngày nhưng dịch đã lây nhiễm sau khoảng 2 tuần mới phát hiện ra. Hoàn toàn nhiều nơi có thể bị như thế nếu chúng ta không siết lại kỷ cương.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng ngay hệ thống giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, trụ sở cơ quan nhà nước, địa điểm công cộng, vui chơi, giải trí…
Bộ Y tế chịu trách nhiệm rà soát lại các hướng dẫn, phối hợp với bộ ngành liên quan để xây dựng các bộ tiêu chí chi tiết, cụ thể, khả thi để từng trường học, bệnh viện, siêu thị, khách sạn… có thể thực hiện được, cập nhật trực tuyến theo thời gian thực. Các bộ ngành, địa phương phải kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta phải có giải pháp rất cụ thể, thực hiện thật nghiêm, giữ tuyệt đối an toàn, không để dịch bùng phát. Đây là nhiệm vụ chính trị. Hai nguy cơ lây nhiễm lớn nhất hiện nay là người nhập cảnh vào Việt Nam và mầm bệnh lưu hành trong cộng đồng.
Báo cáo từ các địa phương, kết quả giám sát, kiểm tra của Bộ Y tế, Bộ Công an cho thấy, thời gian qua có thực tế đối tượng nhập cảnh hợp pháp (trong đó có chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, người Việt Nam từ vùng dịch) chưa được quản lý chặt chẽ sau thời gian 14 ngày cách ly tập trung, trong khi thực tế có người phát bệnh ở ngày thứ 20 sau khi nhập cảnh. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, ít nhất trong vòng 28 ngày, bao gồm 14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày giám sát y tế.
Người nhập cảnh phải khai báo y tế điện tử bắt buộc và cập nhật tình hình sức khoẻ cá nhân ít nhất 1 lần/ngày. “Chính quyền địa phương tuyệt đối không để người nước ngoài nhập cảnh không thuộc đối tượng chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, không phải là lao động của DN có nhu cầu”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Từng địa phương phải nắm được từng ngày có bao nhiêu người nhập cảnh trên địa bàn, cập nhập thông tin sức khỏe, lưu trú… liên tục. Các khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ người cách ly phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, cập nhật thông tin hàng ngày về thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Đối với việc phát hiện, phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng, Phó Thủ tướng cho rằng vai trò của người dân rất quan trọng./.