Nhân dịp kết thúc 2005 - năm có nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng - và chuẩn bị đón chào năm mới 2006, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Xin Bộ trưởng cho biết những biến động của tình hình thế giới trong năm qua đã tác động đến Việt Nam như thế nào và thành công nổi bật nhất của ngoại giao Việt Nam năm 2005 là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Trong năm 2005, môi trường đối ngoại của Việt Nam tiếp tục có những thuận lợi xen lẫn với khó khăn. Nhìn chung, hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển vẫn là xu thế lớn trong quan hệ quốc tế; một số điểm nóng trên thế giới như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Trung Đông... đã có những dấu hiệu dịu bớt. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động, tương đối ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Liên kết kinh tế khu vực giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á tiếp tục có bước phát triển. Các nước ASEAN tiếp tục củng cố đoàn kết và tăng cường hợp tác hướng tới xây dựng một cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính là an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa- xã hội. ASEAN vẫn phát huy vai trò trung tâm của mình trong các tiến trình hợp tác khu vực, nhất là hợp tác Đông Á.
Tuy nhiên, tình hình thế giới trong năm qua vẫn ẩn chứa không ít khó khăn và thách thức. Xung đột, bạo lực và căng thẳng vẫn tiếp tục diễn ra với mức độ khác nhau ở một số khu vực; hoạt động khủng bố quốc tế vẫn chưa bị đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn; tập hợp lực lượng quốc tế và khu vực diễn ra đa dạng và phức tạp, nhiều lúc đã có những tác động không thuận tới Việt Nam. Mối đe dọa từ các yếu tố an ninh phi truyền thống như thảm họa thiên tai, dịch cúm gia cầm, cùng với những tranh chấp về biên giới lãnh thổ, tài nguyên, nhất là dầu lửa và sự can thiệp từ bên ngoài tiếp tục là những nhân tố tác động tiêu cực đến an ninh và ổn định khu vực. Xu hướng bảo hộ mậu dịch, giá nguyên liệu, đặc biệt là giá dầu thường xuyên biến động ở mức cao là những yếu tố không thuận cho môi trường phát triển của đất nước ta.
Dưới sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, hoạt động đối ngoại của nước ta trong năm qua, đã được triển khai một cách chủ động, với nhiều hình thức phong phú, nhưng có trọng tâm, chú trọng hiệu quả, nhất là hiệu quả kinh tế và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Kết quả công tác đối ngoại nổi bật nhất trong năm qua là chúng ta đã tiếp tục duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vị thế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Chúng ta đã mở rộng khuôn khổ và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các đối tác, nhất là các nước láng giềng khu vực và các nước lớn. Các hoạt động ngoại giao đa phương diễn ra sôi động, có hiệu quả cao, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương của ta với các quốc gia, bảo vệ các lợi ích của đất nước, đồng thời nâng cao uy tín và vai trò của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.
Trong năm 2005, các hoạt động đối ngoại đã hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho phát triển kinh tế và công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, chúng ta đã kết thúc đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với 22 trên tổng số 28 đối tác và đang tích cực đàm phán đi đôi với vận động chính trị - ngoại giao nhằm sớm đưa nước ta gia nhập tổ chức này. Công tác ngoại giao phục vụ kinh tế của chúng ta ngày càng hiệu quả; chính trị đối ngoại ngày càng được gắn kết chặt chẽ với kinh tế đối ngoại.
Đáng chú ý trong năm qua là công tác vận động người
Việt Nam ở nước ngoài đã có những kết quả tích cực. Triển khai Nghị quyết 36 của
Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta đã thực
hiện những biện pháp, chính sách cụ thể, tạo thuận lợi cho kiều bào trong các
lĩnh vực nhập xuất cảnh, cư trú, đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ trí thức kiều
bào đóng góp xây dựng quê hương, tạo không khí phấn khởi trong cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài. Kiều bào về nước thăm thân, du lịch, kinh doanh, đầu tư
và trao đổi tri thức ngày càng nhiều.
Một kết quả nổi bật khác trong năm 2005 là bên cạnh các hoạt động đối ngoại của
Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại Quốc hội, ngoại giao nhân dân, hoạt
động đối ngoại trên lĩnh vực an ninh quốc phòng được thúc đẩy mạnh mẽ và phối
hợp nhịp nhàng, tạo ra sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại, góp phần thực
hiện thành công các nhiệm vụ đối ngoại của đất nước.
Tại Hội nghị Cấp cao APEC 3, Hàn Quốc đã chính thức chuyển giao vai trò Chủ tịch APEC trong năm 2006 cho Việt Nam. Với cương vị là chủ nhà đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 14, Việt Nam sẽ phải làm gì để tranh thủ tối đa cơ hội tuyệt vời này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Đăng cai APEC 2006 là sự thể hiện rõ nét nhất đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong cả năm 2006 sẽ có khoảng 100 Hội nghị/Hội thảo về các vấn đề đang và sẽ triển khai trong APEC được tổ chức ở nhiều địa phương, tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đặc biệt là trong Tuần lễ Cấp cao, Việt Nam sẽ đón các nhà lãnh đạo, quan chức và hàng nghìn đại biểu, đại diện báo chí và cộng đồng doanh nghiệp của hai mươi mốt nền kinh tế thành viên đến tham dự Hội nghị. Chúng ta đã xác định đây là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của đất nước trong năm 2006.
Đăng cai APEC là cơ hội để khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, tăng cường giao lưu hợp tác với các thành viên APEC, một trong những diễn đàn thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác quốc tế quan trọng nhất trên thế giới, chiếm tới 80% thương mại, 75% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và hơn 50% nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Việt Nam. Tổ chức tốt các sự kiện của năm APEC 2006 là cách tốt nhất để quảng bá về hình ảnh một Việt Nam năng động, cởi mở, an toàn và hội nhập, mở ra các cơ hội phát triển cho các ngành kinh tế của đất nước, đặc biệt là ngành kinh tế du lịch.
Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên khác để thực hiện tốt vai trò điều hành các tiến trình APEC trong năm, tiếp tục triển khai Lộ trình Bu-san, đẩy mạnh vòng đàm phán Đô-ha sau Hội nghị Bộ trưởng WTO tháng 12/2005, hợp tác nâng cao năng lực, đảm bảo an ninh con người, thúc đẩy hợp tác về du lịch, đầu tư, công nghệ thông tin..., vừa để lại dấu ấn Việt Nam trong quá trình hợp tác
APEC, vừa góp phần thúc đẩy APEC, hướng tới xây dựng một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thương mại và đầu tư tự do, an toàn và minh bạch.
Từ kinh nghiệm của chủ nhà năm APEC 2005 Hàn Quốc, cũng như kinh nghiệm tổ chức các HNCC khối Pháp ngữ, ASEAN, ASEM cho thấy cần có sự chuẩn bị thật chu đáo, tỉ mỉ, có lộ trình, có kịch bản điều hành tốt trước tất cả các sự kiện của năm APEC. Tôi tin tưởng rằng với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành dưới sự chỉ đạo sát sao của UBQG về APEC 2006 và ý thức của người dân, Việt Nam sẽ tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2006, đóng góp cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của khu vực.
Vấn đề biên giới lãnh thổ luôn là vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm. Xin Bộ trưởng đánh giá những việc chúng ta đã làm được trong năm qua và cho biết những bước đi tiếp theo cần thực hiện để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra?
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Về vấn đề biên giới lãnh thổ, trong năm qua chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động và biện pháp đối ngoại hiệu quả, đạt được một số thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cả trên đất liền, trên biển, trên không. Chúng ta đã cùng với các nước láng giềng Trung Quốc, Campuchia và đặc biệt là bạn Lào phối hợp quản lý, bảo vệ tốt đường biên và mốc giới, giải quyết kịp thời các sự việc xảy ra trên biên giới, qua đó đã duy trì ổn định trong khu vực biên giới, tạo môi trường hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển cho mỗi nước.
Với Trung Quốc, năm qua, hai nước tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai phân giới, cắm mốc trên thực địa. Kết quả so với các năm trước đã có những tiến bộ lớn. Tính từ đầu giai đoạn phân giới cắm mốc (tháng 9/2002) đến nay, hai bên đã hoàn thành được khoảng 40% khối lượng công việc. Hy vọng rằng trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với quyết tâm hoàn thành công việc khó khăn, nặng nề này vào năm 2008 như thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước nhằm xây dựng đường biên giới rõ ràng và ổn định lâu dài, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Với Campuchia, ngày 10/10/2005, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước, Hiệp định biên giới hai nước đã ký trong thập niên 1980 (đặc biệt là đối với Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia năm 1985), những Hiệp ước mà lâu nay luôn bị các thế lực chống đối Chính phủ Vương quốc Campuchia tìm cách xóa bỏ. Thứ hai, bằng việc ký kết Hiệp ước bổ sung, hai bên cũng thể hiện thiện chí của mình thông qua thương lượng hòa bình để giải quyết những vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ. Thứ ba, cùng với Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, Hiệp ước bổ sung sẽ là cơ sở để hai nước hoàn tất công tác phân giới, cắm mốc, tiến tới giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa hai nước để tạo cơ sở tăng cường hợp tác, thực hiện phương châm mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được là xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.
(TTXVN)