In bài viết

Hoạt động Thừa phát lại qua góc nhìn của Chánh án TAND TPHCM

(Chinhphu.vn) – Từ 1/1/2016, chế định Thừa phát lại sẽ được chính thức thực hiện trên phạm vi cả nước. Để có cái nhìn tổng quan về hoạt động này trước “giờ G”, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TPHCM về một số vấn đề liên quan.

15/12/2015 14:19

Chánh án TAND TPHCM Ung Thị Xuân Hương. Ảnh: VGP/Phương Dy

Thưa bà, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết thực hiện chế định Thừa phát lại (TPL), theo đó sẽ chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định này trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1/1/2016. Xin bà cho biết đánh giá của mình về sự kiện này?

Bà Ung Thị Xuân Hương: Việc thí điểm TPL thời gian qua đã góp phần hỗ trợ hoạt động tư pháp đúng chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Qua tổng kết, có thể thấy không chỉ TPHCM thực hiện thí điểm thành công mà cả Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác cũng đồng thuận cao về sự cần thiết của việc cho mở rộng TPL.

Khi TPL thực hiện chức năng tống đạt đã giúp cho thư ký, thẩm phán có nhiều thời gian tập trung nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra chặt chẽ các thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Nhờ đó, nhiều vụ án được giải quyết kịp thời, kéo giảm án quá hạn. Các văn phòng TPL đã hỗ trợ tòa án giải quyết vụ án ngày càng hiệu quả hơn.

Chính vì thế, cá nhân tôi đồng thuận rất cao việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thực hiện chế định TPL trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1/1/2016.

Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, khi đã có đầy đủ cơ sở pháp lý thì hoạt động của TPL sẽ đạt hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự.

Việc thực hiện trên phạm vi cả nước chế định TPL đã được kỳ vọng từ lâu nay. Tuy nhiên, trước khi Quốc hội ban hành Luật TPL thì Chính phủ được giao phối hợp với TANDTC, Viện KSNDTC chuẩn bị dự án Luật TPL để báo cáo QH xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của khóa XIV. Như vậy, từ kinh nghiệm của bà thì để hoàn thiện chế định này thì cần khắc phục những hạn chế nào?

Bà Ung Thị Xuân Hương: Theo tôi để hoàn thiện chế định TPL thì cần khắc phục một số tồn tại sau:

Thứ nhất là cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của TPL, trong đó quan trọng nhất là Luật về Thừa phát lại.

Thứ hai về nguồn nhân lực, đội ngũ TPL, thư ký nghiệp vụ TPL cần được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu để có đủ trình độ nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện các mảng công việc của TPL.

Thứ ba, do TPL là chế định mới, trong đó việc các văn phòng làm một số công việc mang tính chất thực thi quyền lực Nhà nước (cưỡng chế thi hành án, cưỡng chế có huy động lực lượng, phong tỏa tài sản…) cho nên không tránh khỏi có những băn khoăn trong nhận thức của một số cơ quan, cán bộ, công chức và dẫn đến việc hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ và tháo gỡ khó khăn cho TPL thực hiện nhiệm vụ được giao còn hạn chế.

Theo bà, khi triển khai trên cả nước chế định TPL thì có nên giao cho TPL quyền cưỡng chế thi hành án hay chỉ cho phép chế định này tống đạt văn bản, lập vi bằng hoặc xác minh điều kiện thi hành án?

Bà Ung Thị Xuân Hương: Tôi hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng thực hiện TPL. Bản thân tôi cũng có cùng quan điểm với những ý kiến còn băn khoăn việc quy định cho TPL thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự, vì cưỡng chế mang tính quyền lực Nhà nước.

Việc giao TPL thực hiện thi hành án dân sự có ý nghĩa thiết thực thực hiện chủ trương xã hội hóa và giảm tải cho cơ quan thi hành án dân sự vốn đang bị quá tải. Tuy nhiên, do chế định này mới được hình thành, cần phải hoàn thiện về thể chế và nguồn nhân lực. Vì vậy trong thời gian đầu thực hiện, cần cân nhắc kỹ về phạm vi thi hành án dân sự của TPL cho phù hợp. Khi thể chế đã hoàn chỉnh và lực lượng TPL vừa đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng thì TPL mới có thể đảm đương được công việc khó khăn và phức tạp này.

Một vấn đề cũng còn nhiều ý kiến khác nhau hiện nay là chi phí TPL còn cao và về lâu về dài để duy trì chế định này cần có luật quy định chặt chẽ. Lý do là nếu Nhà nước không hỗ trợ thì tòa không có tiền để thuê TPL. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?

Bà Ung Thị Xuân Hương: Đúng là chi phí tống đạt của TPL cao hơn nhiều so với gửi qua đường bưu điện nên cũng có ý kiến còn băn khoăn. Tuy nhiên, cần lưu ý, tống đạt giấy tờ của tòa án là nằm trong thủ tục tố tụng nên nếu có sai sót trong quá trình tống đạt thì án sẽ bị hủy hoặc nếu giấy tờ tống đạt mà đương sự không nhận được sẽ phải hoãn phiên tòa, kéo dài thời gian giải quyết vụ án… Những thiệt hại này rất lớn mà chúng ta không thể định lượng được. Do đó, chi phí tống đạt của TPL có thể cao hơn nhưng hiệu quả đem lại cũng rất lớn cho người dân.

Theo tôi, nếu ngân sách không tiếp tục hỗ trợ chi phí tống đạt của TPL do đã chấm dứt thực hiện thí điểm thì cần có cơ chế để TPL hoặc tòa án thu phí từ đương sự.

Công tác lập vi bằng của TPL thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Lý do chủ yếu là đại đa số người dân chưa hiểu được giá trị pháp lý của vi bằng. Xin bà chia sẻ vẫn đề này?

Bà Ung Thị Xuân Hương: Theo báo cáo của UBND Thành phố, trong vòng 5 năm thực hiện thí điểm, các văn phòng TPL đã lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và đăng ký tại Sở Tư pháp tổng cộng 32.527 vi bằng. Số liệu đăng ký theo từng năm cho thấy số lượng vi bằng được lập của năm sau luôn tăng đáng kể so với năm trước.

Hiệu quả hoạt động lập vi bằng của TPL mang lại không chỉ đơn thuần là chứng cứ phục vụ cho công tác xét xử của tòa án mà trước hết, vi bằng khi được lập đã góp phần giảm bớt các tranh chấp, khiếu kiện phải đưa ra xét xử tại tòa án do các bên trong quan hệ giao dịch đã có căn cứ pháp lý để chứng minh và bảo vệ quyền dân sự của mình. Từ đó, các bên tự thỏa thuận giải quyết các tranh chấp, bất đồng, bồi thường thiệt hại nhanh hơn mà không cần phải khởi kiện ra tòa án.

Từ số liệu này cho thấy nhu cầu lập vi bằng ngày càng cao, người dân cũng dần sử dụng nhiều hơn và tin tưởng vào dịch vụ lập vi bằng của TPL.

Trân trọng cảm ơn bà!

Phương Dy (thực hiện)