In bài viết

Học ngoại ngữ: Chuyển áp lực thành động lực

(Chinhphu.vn) - Các trường phổ thông và cả sau bậc trung học, mạnh dạn đưa vào chương trình các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh, thậm chí thí điểm cả những môn được dạy bằng tiếng Anh tại các nước khác mà không nhất thiết phải tự xây dựng giáo trình.

18/09/2016 16:04
Ảnh minh họa: Báo Thanh niên
Đề nghị trên của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại Hội nghị triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, ngày 17/9, với mong muốn tạo bước ngoặt trong dạy, học ngoại ngữ.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả sau 7 năm triển khai, song nhiều ý kiến cho rằng so với yêu cầu đặt ra ngành giáo dục còn rất nhiều việc phải làm.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng cần phải chấn chỉnh thực trạng công tác dạy, học ngoại ngữ chưa chú trọng đúng mức tới thực tế, thực hành, nên nhiều học sinh, sinh viên đáp ứng chuẩn, thi đạt điểm cao nhưng khi gặp người nước ngoài vẫn lúng túng trong giao tiếp.

Trong đó, yếu tố tiên quyết là phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, từ giáo viên sư phạm làm nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo ra đội ngũ đến giáo viên các trường phổ thông đến đội ngũ giáo viên giảng dạy ngoại ngữ trong các nhà trường.

Bộ trưởng GD&ĐT yêu cầu đến cuối năm 2016, các địa phương phải báo cáo kết quả rà soát thực trạng đạt chuẩn của giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên các trường sư phạm ngoại ngữ, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cho giai đoạn 2016-2020; các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch mời giáo viên bản ngữ, tình nguyện viên dạy ngoại ngữ...

Một số mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020

- Đến năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 3, 70% lớp 6 và 60% lớp 10 được học chương trình mới (10 năm);  năm 2025, sẽ phổ cập dạy tiếng Anh trong trường phổ thông.
- Đối với đào tạo nghề, đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường cao đẳng và tới năm 2025, 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm. 
- Đến năm 2018-2019, 100% các trường đại học triển khai đào tạo chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn. 
- Đến năm 2020, 70% sinh viên đại học không chuyên ngữ và đến năm 2025 là 100% đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp...

Hoạt động dạy, học ngoại ngữ phải tính tới nhu cầu thực tế tại các địa phương chứ không chỉ nhấn mạnh tiếng Anh mà cả những ngoại ngữ khác. Tuy nhiên, không nên dàn trải, phân tán mà cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, trong đó tiếng Anh là ưu tiên.

Các cơ sở giáo dục cần mạnh dạn đưa vào chương trình từ Tiểu học đến Trung học phổ thông, các bậc sau trung học các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Có thể nghiên cứu giáo trình các môn học được dạy bằng tiếng Anh tại các nước khác để đưa vào thí điểm, không nhất thiết phải tự xây dựng giáo trình.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống học liệu hỗ trợ như hệ thống các clips ngắn đưa trên mạng để giáo viên và người học có thể tiếp cận trực tuyến. Tăng cường đưa công nghệ vào hỗ trợ việc dạy học ngoại ngữ. Học liệu không chỉ là giáo trình, nó gồm cả hệ thống các công cụ hỗ trợ để giúp người dạy, người học tiếp cận nhanh nhất và nâng cao trình độ tốt nhất.

“Chúng ta cần dành sự quan tâm đến môi trường cho học tiếng Anh, hình thành các CLB…; tạo ra một xã hội học tập tiếng Anh theo hướng nhẹ nhàng, hiệu quả, làm sao việc học tiếng Anh từ áp lực trở thành động lực”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.

Nêu thực tế “học một đằng, khảo một nẻo”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng phải rà soát sự phù hợp giữa chương trình giảng dạy và nội dung kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ trên cơ sở hình thành và vận hành hệ thống trung tâm khảo thí quốc gia.

“Khó khăn nhất là phần lớn học sinh, sinh viên chưa có ý thức học ngoại ngữ để phục vụ công việc, cuộc sống mà chủ yếu là học để lấy bằng. Vì vậy, đề án cần đẩy mạnh công tác truyền thông để học sinh, sinh viên và cán bộ công chức hiểu, từ đó có ý thức thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng. Làm sao chúng ta tạo được một xu thế toàn xã hội  học tiếng Anh như một nhu cầu tự thân”, ông Nhạ lưu ý.

MK