In bài viết

Học sinh EQuest thăm tư gia Đại Tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/5, tại địa chỉ quen thuộc tại số 30 Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội), đoàn học sinh gồm rất nhiều các em học sinh đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện thể thao cùng các thầy cô trong Ban giám hiệu, đại diện từ nhiều Trường thành viên của Tập đoàn Giáo dục EQuest đã có buổi thăm viếng tư gia của vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

14/05/2024 15:43
Học sinh EQuest thăm tư gia Đại Tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 1.

Buổi đi thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp là phần thưởng đặc biệt cho các bạn học sinh có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện thể thao của Tập đoàn - Ảnh: VGP/Phượng Dung

Chuyến thăm viếng tư gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một phần thưởng đặc biệt ý nghĩa cho các bạn học sinh đạt thành tích tốt tại tập đoàn giáo dục EQuest, mà còn là một buổi học giá trị về lịch sử dân tộc, cũng như về cuộc đời và nhân cách của vị Đại tướng kính yêu.

Đón tiếp các thầy cô và các em học sinh của EQuest là bác Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và chị Trương Ngọc Ánh (cháu ngoại của Đại tướng), với không khí thân tình, ấm áp và đầy xúc động. Tại đây, các thầy cô cùng các em học sinh đã thành kính thắp nén hương dâng lên Đại tướng vào đúng dịp tháng 5 lịch sử, trong niềm hân hoan xúc động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lan tỏa khắp cả đất nước.

Dù đã đi xa hơn một thập kỷ, nhưng không gian tư gia của Đại tướng vẫn đầy ắp những dấu ấn và kỉ vật đã gắn bó trong suốt qua cuộc đời tài năng lẫy lừng của một vị Tướng tài danh, không chỉ với dân tộc Việt Nam, mà còn vang danh năm châu, ghi dấu ấn trong lịch sử của dân tộc.

Học sinh EQuest thăm tư gia Đại Tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 2.

Các bạn học sinh cùng các thầy cô thắp nén tâm hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: VGP/Phượng Dung

Tại đây, cả đoàn cũng được tham quan không gian phòng làm việc ấm cúng và giản dị của Đại tướng lúc sinh thời. Bác Biên và Chị Ánh cũng đưa mọi người ghé thăm phòng khách, mảnh sân nhiều cây xanh và ánh nắng, chiêm ngưỡng bộ bàn ghế bằng đá Đại tướng hay ngồi, hay dàn hoa phong lan được làm bởi bộ đội công binh từ những năm 1965, 1966, cùng những kỷ vật thời chiến nay đã đi qua hơn nửa thế kỷ, những món quà mà gia đình và người thân của Đại tướng vẫn trân trọng gìn giữ.

Tại phòng khách, bác Võ Điện Biên cũng giới thiệu cho mọi người những kỷ vật vô cùng thiêng liêng với Đại tướng và cả gia đình, như bức tranh xe tăng trên dải Trường Sơn, Trọng điểm A-T-P… Đặc biệt là bức tranh sơn mài với hình ảnh 34 chiến sĩ, tái hiện sự kiện tháng 12/1944 trong rừng Trần Hưng Đạo, với hình ảnh của những người lính đầu tiên trong Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Đội quân đầu tiên của Quân đội Nhân Dân Việt Nam, do Đồng chí Võ Nguyên Giáp thời ấy chỉ huy. Đó là hình ảnh của "34 con người giày dép không có, súng ống không đủ, quân trang thiếu thốn, trông rất nhếch nhác, nhưng vẫn nhận được niềm tin hoàn toàn từ Bác Hồ: Đội quân này sau này sẽ đi từ Nam chí Bắc" - Bác Biên nhớ lại những hồi ức về cha mình.

Và cũng từ những ngày đầu tiên đó, dưới sự chỉ huy của Đồng chí Võ Nguyên Giáp, quân đội ta ngày càng lớn mạnh và gặt hái nhiều thành công, tiến đến thắng lợi vẻ vang của "Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" 70 năm trước. Câu chuyện qua lời kể đầm ấm của bác Võ Điện Biên khiến tất cả không khỏi bồi hồi xúc động. Những bài học lịch sử quý giá cho nhiều thế hệ trẻ sau này, về những người lính áo vải nhỏ bé nhưng kiên cường, không ngại khó khăn gian khổ, chiến đấu giành độc lập cho đất nước.

Bác Biên kể lại, cha mình từng nói: "Nếu như không có chiến tranh, thì tôi sẽ tiếp tục dạy học", cho thấy tình yêu và niềm đam mê của Đại tướng với con đường học hành, giáo dục, dạy dỗ cho trẻ nhỏ. Bác Biên cũng chia sẻ đến các em học sinh về lí tưởng, mục tiêu sống và học tập, phấn đấu, những điều mà bác cùng các anh chị em, con cháu trong gia đình được Đại tướng luôn căn dặn, đó là phải không ngừng nỗ lực rèn luyện, chăm chỉ học hành, giữ sức khỏe, đạo đức, nề nếp tác phong. Và đặc biệt là luôn phải biết hi sinh, bỏ qua lợi ích bản thân mình, mà nghĩ nhiều đến công việc chung. "Nghe thì có vẻ dễ, đơn giản, nhưng thực ra rất khó. Vì luôn phải đặt chữ "công" lên trên cao nhất, để bỏ qua lợi ích cá nhân mà đặt lợi ích chung lên đầu tiên" - Bác Biên bồi hồi nói về cha mình.

Học sinh EQuest thăm tư gia Đại Tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 3.

Bác Võ Điện Biên (Con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp), đón tiếp đoàn viếng thăm của Tập đoàn Giáo dục EQuest tại phòng khách của gia đình - Ảnh: VGP/Phượng Dung

Không chỉ kể những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng, bác Võ Điện Biên còn vui vẻ trò chuyện với thầy cô và các em học sinh những câu chuyện về lịch sử, cách để rèn luyện sức khỏe, những bí quyết để học ngoại ngữ, đọc sách nhớ lâu, hoặc những kiến thức quý báu về lịch sử, đất nước, con người mà bác đã được Đại tướng dạy dỗ từ thuở thiếu thời. Như lời dạy giản dị mà thể hiện nhân cách cao đẹp của Đại tướng với các con mình:"Việc tốt thì cố gắng mà làm, việc xấu thì cố gắng mà tránh".

Dù chỉ trong một buổi chiều, nhưng chuyến thăm và trò chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự là một kỉ niệm đáng nhớ và có ý nghĩa sâu sắc đến thầy và trò của EQuest. Những câu chuyện cũng như những chia sẻ, dặn dò của bác Võ Điện Biên, cũng như của các thầy cô, đại diện nhà trường là những bài học quý giá, tiếp thêm năng lượng và niềm hứng khởi cho các bạn nhỏ thêm yêu quê hương, dân tộc, biết thêm về lịch sử của đất nước mình.

Đại diện phía Tập đoàn Giáo dục EQuest, bà Nguyễn Thị An Quyên cũng chia sẻ: "Chuyến thăm nhà Đại tướng không chỉ có ý nghĩa sâu sắc với các em học sinh, mà còn có ý nghĩa lớn với cả chúng tôi, những người đang được hưởng nền hòa bình dân tộc. Trong tương lai, chúng tôi mong sẽ có thêm nhiều cơ hội để cho các em học sinh được tiếp xúc và học hỏi thêm nhiều kiến thức và trải nghiệm quý giá như này, để có thêm những bài học về văn hóa, lịch sử, biết trân quý và giữ gìn bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập".

Phượng Dung