Ảnh minh họa |
Bộ Y tế cho biết, trẻ lứa tuổi học đường Việt Nam chiếm khoảng 1/4 dân số. Đây là lứa tuổi đặc biệt vì trẻ đang ở giai đoạn phát triển nhanh và bắt đầu phải tiếp thu "gánh nặng" về học tập.
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010, tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống còn 15,3% năm 2013. Tuy vậy, suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn ở mức cao (25,9%) và ảnh hưởng đến tầm vóc thể lực người Việt Nam khi trưởng thành. Điều tra 450 trẻ 7-8 tuổi tại 3 trường tiểu học của Bắc Ninh năm 2005 cho thấy tỷ lệ thấp còi là 32-40%. Kết quả điều tra tình trạng dinh dưỡng tại 6 tỉnh thành của Việt Nam năm 2011 cho thấy tỷ lệ thấp còi của trẻ em lứa tuổi 6-9 tuổi là 13,7% và ở lứa tuổi 9-11 tuổi là 18,2%.
Theo Bộ Y tế, để góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em mẫu giáo, tiểu học, đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em ở các vùng, đặc biệt là vùng nghèo, việc triển khai chương trình sữa học đường ở cấp độ Quốc gia với đối tượng ưu tiên trước mắt là trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học là hết sức cần thiết.
Thành công ở nhiều nước
Nhiều nước trên thế giới đã triển khai Chương trình sữa học đường quốc gia. Tại Thái Lan, sau 7 năm triển khai Chương trình sữa học đường miễn phí cho trẻ em từ 6-14 tuổi chiều cao và thể lực của trẻ em đã được cải thiện một cách rõ rệt, trẻ em tăng được gần 5cm so với chuẩn.
Ở Việt Nam, qua 5 năm triển khai Chương trình sữa học đường tại Bà Rịa Vũng Tàu giai đoạn I trên 82/82 xã/phường của tỉnh. Kết quả là tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ từ 3-5 tuổi tại tỉnh giảm từ 15,6% xuống còn 12% chỉ trong vòng 5 năm; lượng trẻ tăng cân chiếm tỷ lệ khá cao: 66,2%; tỷ lệ trẻ thoát suy dinh dưỡng đạt 21,7%; đặc biệt trẻ có cải thiện về chiều cao đạt 36,8%. Hiện tốc độ giảm suy dinh dưỡng trẻ em của tỉnh khá nhanh, trung bình mỗi năm giảm 1,64%, rất khả quan so với tình trạng chung của cả nước. Chính kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn I đã thúc đẩy Bà Rịa Vũng Tàu tiếp tục đầu tư cho dự án Sữa học đường giai đoạn II, nhằm cải thiện hơn nữa tình trạng dinh dưỡng của trẻ em địa phương với tổng kinh phí dự kiến là 113 tỷ đồng, nhằm cung cấp sữa miễn phí cho hơn 270.000 trẻ em trên toàn tỉnh trong suốt 5 năm (2012-2016). Cùng với Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Ninh là tỉnh thứ hai tiến hành thực hiện Chương trình sữa học đường cho trẻ em trên toàn tỉnh với ngân sách cho giai đoạn 1 (2013-2017) là 178 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo đại diện tổ chức Nông nghiệp Lương thực (FAO) của Liên hiệp quốc, các Chương trình sữa học đường không chỉ đem lại lợi ích trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, mà còn góp phần tăng cường mức tiêu thụ sữa và các cơ hội nâng cao thu nhập hỗ trợ kinh tế gia đình, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò sữa, tạo việc làm ổn định cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Ở góc độ vĩ mô, Chương trình sữa học đường đã hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, giúp giảm nghèo và phát triển bền vững, ổn định an ninh lương thực thực phẩm gia đình; góp phần phát triển lực lượng lao động tương lai có kiến thức và khỏe mạnh; tạo thị trường liên tục cho sản xuất nông nghiệp cũng như những sản phẩm dịch vụ công nghiệp liên quan.
Cho trẻ em uống sữa hàng ngày, phát triển nguồn nhân lực tương lai
Vì vậy, Bộ Y tế đã soạn thảo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Cụ thể là cải thiện về số lượng và chất lượng khẩu phần ăn thông qua hoạt động cho học sinh mẫu giáo và tiểu học ở các trường đặc biệt là tại các huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ) được uống sữa hàng ngày. Theo Bộ Y tế, sẽ đảm bảo mức đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ 85% - 90% vào năm 2015 và 90-100% vào năm 2020. Ngoài ra, tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần đạt trên 35% vào năm 2015 và đạt trên 40% vào năm 2020.
Thêm vào đó, mục tiêu của Chương trình cũng nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và chiều cao ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học. Chỉ tiêu cụ thể là: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học từ 0,6-0,8%/năm từ năm 2014 đến năm 2015 và giảm 0,6%/năm từ năm 2016 đến năm 2020. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học từ 0,8-1%/năm từ năm 2014 đến năm 2015 và giảm 0,8%/năm từ năm 2016 đến năm 2020.
Đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1cm-1,5cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010; 70% bố, mẹ, người chăm sóc của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng nhằm cải thiện tình trạng vitamin và khoáng chất trong khẩu phần của trẻ em mẫu giáo và tiểu học. Cụ thể là: Tăng mức đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ thêm 10% vào năm 2015 và thêm 30% vào năm 2020.
2 giai đoạn thực hiện
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất 4 giải pháp chủ yếu để thực hiện Chương trình trong 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 2014-2015: Triển khai chương trình tại tất cả các trường mẫu giáo và tiểu học thuộc các xã thuộc huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a của chính phủ). Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục duy trì các hoạt động của chương trình tại tất cả các trường mẫu giáo và tiểu học thuộc các xã thuộc huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ). Mở rộng 50% số trường mẫu giáo và tiểu học trên toàn quốc.
Theo Bộ Y tế, đến năm 2020 sẽ tổ chức nghiên cứu đánh giá hiệu quả Chương trình đề xuất với Chính phủ quy định về việc sử dụng sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học nhằm nâng cao thể lực, trí tuệ của trẻ.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn