Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tới dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Tô Huy Rứa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên Hội đồng Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền...
Ngoài ra còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các vị khách quốc tế, cùng các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Địa chỉ đỏ trong bản đồ giáo dục, đào tạo nước nhà
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS.TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường đã đọc Thư chúc mừng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi Học viện nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống.
Trong thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trên chặng đường lịch sử vẻ vang 60 năm xây dựng và trưởng thành, tuy mang nhiều tên gọi khác nhau, song Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn là trường đào tạo cán bộ uy tín của Đảng.
Từ năm 1993 đến nay, là bộ phận cấu thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Học viện đã không ngừng phấn đấu, tâm huyết, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; quyết tâm xây dựng Học viện là một trường Đảng, một cở sở giáo dục đại học, sau đại học có tầm vóc, uy tín hàng đầu về đào tạo giảng viên lý luận chính trị và cán bộ tư tưởng-văn hoá và báo chí-truyền thông trong cả nước. Học viện là một địa chỉ đỏ trong bản đồ giáo dục, đào tạo nước nhà.
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng thời gian tới, thầy và trò nhà trường sẽ nỗ lực phấn đấu, phát huy những giá trị truyền thống, đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới; không ngừng đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo cán bộ cho hệ thống chính trị, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước, khu vực và thế giới.
Chặng đường 60 năm vẻ vang
Đọc diễn văn kỷ niệm, PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã ôn lại quá trình hình thành, phát triển của Học viện, nhấn mạnh trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng là một trường Đảng, một trường đại học trọng điểm quốc gia về đào tạo giảng viên lý luận chính trị, cán bộ báo chí-truyền thông, tư tưởng-văn hoá và một số lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác.
Trong 60 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70.000 cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí-truyền thông, trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở hệ thống các trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo của các tổ chức chính trị-xã hội và hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác truyền thông, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, các cơ quan truyền thông trong cả nước.
Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta. Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học đầu đàn, các nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi… Không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong các ngành, lĩnh vực ở Trung ương và các địa phương.
Học viện đang tổ chức đào tạo trình độ đại học hệ chính quy 41 ngành/chuyên ngành (trong đó có 5 chương trình chất lượng cao, 1 chương trình liên kết đào tạo với Đại học Middlesex của Vương quốc Anh) với hơn 2.400 sinh viên/năm; đào tạo 7 ngành trình độ tiến sĩ với 30-50 nghiên cứu sinh/năm. Học viện đã mở được hơn 400 lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, quan hệ công chúng và quảng cáo, ngoại ngữ, tin học… với hơn 10.000 lượt học viên. Học viện hiện có 30 đơn vị trực thuộc, trong đó 11 đơn vị chức năng và 19 đơn vị giảng dạy, nghiên cứu, thông tin, xuất bản.
Với những cống hiến bền bỉ trong 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Ý thức sâu sắc hơn yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà các thế hệ nhà giáo, cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đạt được trên chặng đường phát triển đầy khó khăn, thách thức nhưng đầy tự hào, vinh quang của nhà trường trong suốt 60 năm qua.
Đồng chí nhấn mạnh nhà trường cần ý thức sâu sắc hơn yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học, đồng thời có những bước đi táo bạo, cụ thể hơn để hiện thực hoá tầm nhìn và mục tiêu phát triển đã đặt ra.
Gợi mở một số vấn đề, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, tăng cường tính liên thông, liên kết; chú trọng đào tạo cán bộ chuyên môn đầy đủ phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức của những người làm báo và làm công tác văn hoá-tư tưởng; đẩy mạnh số hoá toàn bộ quy trình quản lý đào tạo, bồi dưỡng, tích hợp và liên thông với cơ sở dữ liệu chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học…
Nhà trường cần tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt cần gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch.
Cùng với đó, tiếp tục hiện đại hoá cơ sở vật chất, chăm lo cải thiện đời sống, tạo môi trường làm việc, học tập thuận lợi cho giảng viên, học viên, sinh viên; phát động các phong trào thi đua, khơi dậy truyền thống hiếu học…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Học viện chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, tăng cường về lý luận, sâu sắc về thực tiễn, có lập trường chính trị vững vàng, lối sống mẫu mực theo chuẩn mực của người giáo viên trường đảng.
Đồng thời, đồng chí đề nghị quan tâm xây dựng các cơ chế trọng dụng nhân tài, phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ, giảng viên và sinh viên, cũng như khai thác hiệu quả lợi thế là một học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện sẽ cùng sát cánh, lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để Học viện Báo chí và Tuyên truyền hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
theo Báo Nhân dân