Ngày 1/3, Học viện Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) chính thức công bố Chương trình chuyển đối số.
TS. Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, trên cơ sở “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chương trình Chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 25/5/2021, Học viện Hàng không Việt Nam đã ban hành Quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Học viện Hàng không Việt Nam đến năm 2025”.
Theo đó, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ trở thành ngôi trường số, tiên phong sử dụng các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Học viện, hoạt động dạy và học, phương thức sống, làm việc trong môi trường số toàn diện, tuyệt đối, với các mục tiêu cơ bản cần đạt được đến năm 2025.
Về tổ chức hoạt động, quản trị điều hành sẽ đáp ứng các mục tiêu: 100% cơ sở dữ liệu được số hóa; 90% công tác quản trị điều hành thực hiện trong môi trường số; 90% dịch vụ cho người học và người dạy thực hiện trong môi trường số; 100% quản trị nhân lực số; thực hiện thành công chuyển đổi số công tác quản trị điều hành trong quý I năm 2022.
Về tổ chức dạy và học: 90% học liệu được số hóa; 50% khối lượng bài thí nghiệm, thực hành được thực hiện trên môi trường số; 100% chương trình đào tạo, chương trình dạy học được số hóa; 30% chương trình đào tạo hệ chính quy được thực hiện trực tuyến; 80% chương trình đào tạo từ xa được thực hiện trực tuyến; 100% công tác quản lý đào tạo được thực hiện trong môi trường số; thực hiện thành công chuyển đổi số 80% công tác dạy và học trong quý I/2023.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS Trần Hoài An, Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không chia sẻ: "Hiệu quả và lợi ích của chuyển đổi số đã quá rõ ràng, tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực sự mặn mà, chủ động và quyết tâm".
Cụ thể hơn, PGS.TS Trần Hoài An cho rằng, trước hết, chuyển đổi số là phương pháp giúp tiết kiệm và tối ưu nhiều chi phí. Hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm được tiêu tốn cho các thủ tục hành chính và rất nhiều trong số đó không thực sự tạo ra giá trị.
Thứ hai, với công nghệ, những rủi ro về sai sót, nhầm lẫn do yếu tố con người gây ra được xóa bỏ. Sự tương tác cảm tính giữa người với người trong công việc được hạn chế tối đa, từ đó thúc đẩy môi trường làm việc minh bạch, trong sạch và khách quan. PGS.TS Trần Hoài An cho rằng, những yếu tố như tranh chấp, ganh đua trong môi trường công sở hoàn toàn không xâm nhập được khi chúng ta làm việc trên môi trường số.
Cuối cùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không khẳng định, trong tình huống khủng hoảng bất ngờ, như đại dịch COVID-19 vừa qua thì với công nghệ, chúng ta sẽ làm việc linh hoạt và chủ động hơn khi không có các điều kiện vật lý cần thiết do đã xây dựng được một môi trường làm việc số và làm chủ nó.
Phan Trang