Được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, Chùa Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà còn hiếm thấy trên thế giới. Đây là di tích có sự hội tụ, kết hợp hòa quyện các giá trị văn hóa nội sinh và ngoại nhập, phương Đông – phương Tây, tạo nên một chỉnh thể đa dạng trong thống nhất, trở thành biểu tượng của Hội An.
Với gần 400 năm tồn tại, chịu tác động của nhiều yếu tố về thời gian, môi trường tự nhiên và con người nên di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngày 28/12/2022, TP. Hội An đã khởi công dự án tu bổ di tích Chùa Cầu với tổng kinh phí 20 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự kiến 360 ngày.
Sau hơn 1 năm triển khai, tuy công trình đã hoàn thành việc tháo dỡ, gia cố phần móng, đi vào giai đoạn lắp, dựng các cấu kiện phần trên, có một số ý kiến đánh giá khác nhau về xây dựng sàn Chùa Cầu phẳng hay cong, nên Thành phố đang tạm dừng việc trùng tu sàn cầu để lấy ý kiến, bảo đảm tính chân xác của di tích khi trùng tu.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho hay, quá trình chuẩn bị trùng tu Chùa Cầu kéo dài hơn 5 năm và cũng đã trải qua rất nhiều bước, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các cấp chính quyền và người dân.
Là một di tích đặc biệt nên quá trình chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Làm hồ sơ trùng tu tham vấn ý kiến Bộ VHTT&DL, các chuyên gia Nhật Bản. Trong quá trình trùng tu, khi tháo tất cả các cấu kiện đều có sự tham gia của các chuyên gia, các tình nguyện viên của phía Nhật Bản. Công trình cũng được tiến hành công khai, vừa làm, vừa tạo điều kiện để du khách tham quan, các nhà khoa học, người dân đóng góp ý kiến.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, quá trình trùng tu còn có ý kiến khác nhau, đó là sàn Chùa Cầu làm phẳng hay là cong. Thành phố đã hai lần tổ chức tham vấn ý kiến các chuyên gia và cộng đồng, dân cư. Do chưa thống nhất nên Thành phố cho tạm dừng việc thi công và giao chủ đầu tư cùng với các nhà nghiên cứu tiếp tục khảo sát, đánh giá hiện trạng liên quan để từ đó xác định lại kết cấu của sàn là cong hay phẳng; hay có thể là cong hai đầu, phẳng ở giữa…từ đó đưa ra phương án hiệu quả nhất.
Hiện Thành phố xây dựng một lúc nhiều phương án, gồm: Trùng tu theo nguyên trạng (như năm 1986); phương án phục hồi lại sàn phẳng như năm 1915 và phương án thứ ba khả thi hơn đó là dựa trên các yếu tố gốc còn lại của hệ thống đà, dầm đang tháo dựng ra cũng như các dấu vết của đà dầm đó trên các móng đá hiện tại. Từ dấu vết đó cũng như khớp nối với hệ thống đà dầm bằng gỗ, có thể xác định được kết cấu, độ cong hay phẳng của Chùa Cầu thế nào, từ đó đưa đó giải pháp trùng tu bảo đảm tính chân xác nhất.
Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, Thành phố đang tập trung hoàn thiện các phương án theo nghiên cứu kỹ nhất, dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ hoàn thành phương án và tiếp tục tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, cộng đồng dân cư. Trên cơ sở thống nhất các ý kiến sẽ quyết định phương án trùng tu. Sau Tết bắt đầu giai đoạn hoàn thiện công trình, chậm nhất trong quý 2 sẽ đưa công trình vào khai thác.
"Trong suốt mấy trăm năm tồn tại, Chùa Cầu đã hơn 10 lần trùng tu và mỗi lần lại đẹp, hài hòa hơn. Do đó, quá trình trùng tu lần này, Thành phố sẽ vừa bảo đảm giữ nguyên yếu tố gốc, tính chân xác một cách tối đa nhưng đồng thời cũng bảo đảm yếu tố đương đại về công năng, đó là công trình phục vụ cho người đi lại, phục vụ cho tín ngưỡng và phục vụ cho tham quan, du lịch.
Chúng tôi kỳ vọng lần trùng tu này sẽ giải quyết dứt điểm việc xuống cấp của di tích, đồng thời cũng tạo được bộ hồ sơ chuẩn xác để những lần trùng tu tiếp theo được thuận lợi nhất", Chủ tịch UBND TP. Hội An cho hay.
Lưu Hương