Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư 20,2 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Hội An.
Theo đó, chùa Cầu sẽ được trùng tu các hạng mục như: Gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, khung gỗ, mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình; số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ lưu trữ và công tác tu bổ, tổ chức hội thảo, tọa đàm, lập hồ sơ khoa học; tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật; mạng internet, hệ thống camera an ninh và nhà bao che phục vụ thi công tu bổ và bảo quản di tích.
Ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XV, đến nay đã trải qua khoảng 400 năm tồn tại, chùa Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo không chỉ ở Việt nam mà còn hiếm thấy trên thế giới, trở thành biểu tượng của TP. Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho rằng, với tuổi đời gần 400 năm, tồn tại trong khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, chịu tác động của nhiều yếu tố về thời gian, môi trường tự nhiên và con người nên di tích đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù đã hơn 7 lần sửa chữa lớn, nhỏ, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay di tích đã ở trong tình trạng xuống cấp nguy hiểm nên cần phải có giải pháp toàn diện để trùng tu cấp bách.
UBND Thành phố đã giao Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa phối hợp với các cơ quan, ban ngành của Thành phố tổ chức triển khai thực hiện dự án với yêu cầu đặt ra là phải hết sức bài bản, khoa học, bảo đảm các nguyên tắc trùng tu di tích.
Tất cả các khâu chuẩn bị để tiến hành trùng tu chùa Cầu đều được thẩm định của Bộ VHTT&DL, Cục Di sản Văn hóa và Sở VHTT&DL Quảng Nam theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP. Ngoài ra còn có ý kiến góp ý của Văn phòng Ủy ban UNESCO tại Hà Nội, Văn phòng JICA tại Việt Nam, Tổng Cục Văn hoá Nhật Bản.
Lưu Hương