Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều nhất trí với những nội dung nêu trong Báo cáo hoạt động Hội từ tháng 8/2018 đến tháng 5/2022 và Phương hướng hoạt động từ tháng 5/2022 đến tháng 5/2023; đồng thời, từ hoạt động thực tiễn ở cơ sở, nhiều ý kiến đã giới thiệu và chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm có hiệu quả trong việc phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, thu hút sự tham gia của cộng đồng và đóng góp của các doanh nghiệp… trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.
TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội, khẳng định 5 điểm nhấn: Điểm đột phá trong hoạt động chuyên môn là, hỗ trợ chuyên môn, khuyến khích đăng ký sưu tập tư nhân và thành lập bảo tàng tư nhân, đáp ứng mong mỏi của các nhà sưu tập và nhân dân; tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học theo chiều sâu, qua đó khích lệ tinh thần, trách nhiệm của những người làm nghề; góp tiếng nói chuyên môn với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng về những vấn đề di sản văn hóa; thiết lập mạng lưới về chuyên môn, mạng lưới quốc tế; nhiều Ủy viên BCH của Hội đã đóng góp khả năng, thế mạnh của mình trong cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động chuyên môn của Hội cũng gặp 2 thách thức, đó là, là thế nào để triển khai từ ý tưởng đến hiện thực và để kết nối với các tổ chức, các chi hội thuộc Hội và cộng đồng.
TS. Phan Thanh Hải - Ủy viên Thường vụ, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế kiến nghị cần phát triển mạnh hơn nữa công tác phát triển Hội ở khu vực miền Trung Tây Nguyên, nơi tập trung rất nhiều di sản văn hóa, đặc biệt có 4 di sản thế giới và hầu hết chính quyền địa phương đều quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dày đặc; lãnh đạo địa phương cũng rất quan tâm đến di sản. Lấy bài học về việc kêu gọi và phối kết hợp với doanh nghiệp để hồi hương cổ vật ở Huế thời gian vừa qua, TS. Hải cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm xã hội hóa để huy động các nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cũng tại Hội nghị, một số đại biểu đã đánh giá cao Tạp chí Thế giới Di sản – Cơ quan ngôn luận của Hội. Ông Hoàng Hữu Lượng - nguyên Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT), Ủy viên BCH Hội DSVHVN, cho rằng, bên cạnh việc truyền tải, quảng bá các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, Tạp chí đã có số lượng đáng kể các bài viết nghiên cứu xúc tích, ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học. Đã và đang kết hợp đúng với tên gọi của mình, với số lượng và tỷ lệ các bài viết về di sản ở trong nước và thế giới rất hài hòa. Tạp cho đang có sự đổi mới về trình bày, theo ông Lượng, đây là sự đổi mới tích cực.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Phạm Đình Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL), ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hội DSVHVN đã đạt được trên các mặt hoạt động: về công tác xây dựng Hội, công tác nghiên cứu và phản biện,… Năm 2022-2024 Bộ VHTT&DL được giao nghiên cứu, sửa đổi Luật Di sản Văn hóa, và Hội DSVH cũng đã cử đại diện tham gia vào nhiệm vụ này. Cục DSVH cũng mong Hội sẽ tư vấn Cục DSVH những vấn đề nổi cộm về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tiếp tục tạo sân chơi và phát triển mạnh hơn nữa vấn đề xây dựng bảo tàng công lập...
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, nhấn mạnh, 2 năm qua, dù khởi đầu nhiệm kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19, các hoạt động của ngành Văn hóa gần như đình trệ, nhưng Hội đã có những hoạt động rất tích cực, đã và đang khẳng định vị trí, vai trò của một hội xã hội nghề nghiệp, được các cơ quan Nhà nước và Bộ VHTT&DL và xã hội đánh giá cao. BCH Hội sẽ ghi nhận những ý kiến của các đại biểu hôm nay để hoàn thiện Báo cáo hoạt động Hội...
Cũng nhân dịp này, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã trao Bằng khen cho một số tập thể, cá nhân tài trợ cho Hội nghị và đóng góp xây dựng Hội.