Hội thảo về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Nga. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Đây là một trong các lĩnh vực ưu tiên và là mối quan tâm chung trong hợp tác giữa hai nước theo tinh thần tuyên bố chung sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Cộng hòa Liên bang Nga từ ngày 28/6-1/7/2017.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc, Liên bang Nga là quốc gia có thế mạnh về khoa học công nghệ mỏ, địa chất, khoa học trái đất, điều tra cơ bản, khảo sát nghiên cứu biển, khí tượng thủy văn, giám sát tài nguyên bằng công nghệ viễn thám… Do đó, triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga là rất lớn, bao gồm cả hợp tác phi Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc hy vọng rằng thông qua Hội thảo này, hai bên sẽ hiểu thêm được nhu cầu cũng như thế mạnh của từng bên để thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác về khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và cùng chung tay hành động về những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Với tư cách là Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt-Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng thể hiện sự vui mừng trước những thành quả hợp tác giữa hai nước Việt-Nga trong mọi lĩnh vực nói chung và lĩnh vực KH&CN cũng như giáo dục và đào tạo nói riêng. Hội nghị hợp tác Việt-Nga được tổ chức đúng dịp nước Nga vừa kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (1917-2017). Và Hội nghị này là một trong những hoạt động thể hiện sự phát triển trong quan hệ hợp tác tốt đẹp, truyền thống giữa hai nước Việt-Nga.
Ông Phan Xuân Dũng cho rằng, là một đất nước đang trên đà phát triển, chắc chắn những kinh nghiệm quý báu của nước bạn Nga trong lĩnh vực KH&CN, giáo dục và đào tạo sẽ giúp ích rất nhiều cho Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã bắt đầu. "Tôi hy vọng các nhà ngoại giao, hoạch định chính sách và các nhà khoa học của hai nước Việt-Nga sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho sự hợp tác về KH&CN và giáo dục, đào tạo giữa hai nước chúng ta", ông Dũng nói.
Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT Lê Trọng Hùng nhắc lại sự kiện ngày 25/11/2014 tại Sochi, Liên bang Nga, Tổng thống V.V Putin và Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ. "Đây là một văn kiện quan trọng mà chúng tôi và các bạn cùng có trách nhiệm tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo hai Bộ và Chính phủ hai nước triển khai thực hiện đạt kết quả tốt", ông Lê Trọng Hùng nhấn mạnh.
Ông Lê Trọng Hùng đã đề xuất một số nội dung hợp tác cụ thể với các chuyên gia Liên bang Nga. Theo ông Hùng, cần thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực trình độ cao giữa các cơ sở giáo dục đại học của Liên bang Nga và Việt Nam theo các hình thức: Phân hiệu trường đại học của Nga mở tại Việt Nam, xây dựng và thực hiện chương trình liên kết đào tạo, mở các trạm đào tạo của cơ sở giáo dục đại học Nga tại Việt Nam…
Bên cạnh đó, cần triển khai hình thành các nhóm nghiên cứu chung giữa các giảng viên, nhà khoa học của Việt Nam và Liên bang Nga; kết nối hợp tác đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chung giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và Liên bang Nga; xây dựng được một số chương trình, dự án nghiên cứu chung, phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và các cơ sở giáo dục đại học của Liên bang Nga. Ông Hùng cũng nhắc lại một nội dung theo Hiệp định là sớm triển khai thành lập Trung tâm tiếng Nga khu vực Đông Nam Á đặt tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quốc tế - Bộ Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga I.N.Ganshin khẳng định hiện nay các vấn đề về hợp tác khoa học và giáo dục thường xuyên hiện diện trong chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán chính thức, các cuộc gặp gỡ và liên hệ thường xuyên của lãnh đạo Liên bang Nga và CHXHCN Việt Nam.
"Ở hai nước chúng ta có một sự nhất trí đặc thù về nhu cầu tăng cường hợp tác trong các ngành công nghiệp khoa học công nghệ cao, cũng như trong lĩnh vực đào tạo nhân lực có trình độ cao mà có nhu cầu trên thị trường lao động hiện đại. Chính họ là những người có nhiệm vụ trong tương lai gần phải tìm ra những giải pháp và giải đáp khác thường cho những thách thức mới và những vấn đề liên tục phát sinh trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế của hai nước chúng ta sang một con đường phát triển theo công nghệ đổi mới", ông I.N.Ganshin nói.
Ông Ganshin khẳng định hiện nay hợp tác khoa học và giáo dục Nga-Việt đang trên đà phát triển.
Ông tin tưởng rằng, kết quả của Hội nghị bàn tròn cũng như kết quả của cuộc “đổ bộ” khoa học-giáo dục mạnh mẽ từ các chuyên gia Nga vào Việt Nam tháng 12 sẽ giúp mở rộng phạm vi các đơn vị tham gia hợp tác cùng có lợi, xây dựng các chủ đề cho các dự án hợp tác mới trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học ưu tiên của cả hai nước, cũng như cải tiến việc đào tạo các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao.