In bài viết

Hôị nghị Geneva 1954: 60 năm nhìn lại

(Chinhphu.vn) - Trong chặng đường dài 30 năm đấu tranh để giành độc lập, thống nhất cho đất nước, Đảng và Nhà nước ta không bao giờ bỏ lỡ những cơ hội hòa bình có thể đến.

18/07/2014 17:07
Một phiên họp ở Hội nghị Geneva, tháng 5/1954- Ảnh tư liệu

Ngày nay, 60 năm nhìn lại Hội nghị quốc tế đầu tiên về vấn đề Việt Nam này, chúng ta chỉ có thể đánh giá nó đúng trên cơ sở nhìn nhận ra cục diện thế giới và hoàn cảnh nước ta lúc bấy giờ. Đấy mới là những nhân tố khách quan và chủ quan đã sản sinh ra sự kiện. Dòng chảy lịch sử không thể muốn mà được. Duy ý chí là một cách nhìn nhận thiếu khoa học, không thể dẫn tới một cách biện giải thỏa đáng, để đi tới sự đồng thuận giữa các bên.

Vì sao có Hội nghị Geneva 1954?

Muốn hiểu vấn đề này, chúng ta cần nắm được hoàn cảnh địa-chính trị của thế giới lúc đó.

9 năm sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai, loài người đã chứng kiến một thế giới lưỡng cực, dẫn tới một cuộc “chiến tranh lạnh” giữa hai phe, với hai cường quốc đứng đầu là Mỹ và Liên Xô, là hai đối thủ trên bàn cờ quốc tế. Sau cái chết của Stalin năm 1953, Liên Xô muốn bước vào một giai đoạn hòa hoãn để củng cố lực lượng bên trong và thực hiện một kế hoạch đồ sộ xây dựng đất nước. Mỹ thì vừa trải qua 3 năm chiến tranh nóng ở Triều Tiên hao người tốn của dưới lá cờ Liên Hợp Quốc.  Trung Quốc thì sau ngày thành lập nước CHND Trung Hoa năm 1949, chưa được một nước nào trên thế giới công nhận (trừ Việt Nam và CHDCND Triều Tiên). Chiếc ghế đại diện Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc sau năm 1949 vẫn được dành cho Đài Loan. CHND Trung Hoa đang ở thế phải tìm một chỗ đứng có vị thế trong cộng đồng thế giới, bằng cách thể hiện tác dụng của mình đối với các vấn đề quốc tế. Trung Quốc đã hái được kết quả đầu tiên là sau khi đưa một triệu quân sang “kháng Mỹ, viện Triều” đã ký Hiệp nghị quốc tế Geneva lập lại hòa bình ở Triều Tiên, chia cắt vô thời hạn đất nước Triều Tiên thành hai miền, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Sau khi giải quyết như thế đối với vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc được Anh- Mỹ- Pháp cùng với Liên Xô mời tham gia Hội nghị quốc tế cũng ở Geneva để giải quyết vấn đề Việt Nam.

Về phía Việt Nam, Hội nghị Trung ương cuối năm 1953, nhận định tình hình tương quan lực lượng còn thấy chưa có điều kiện chín muồi để bước vào giai đoạn đàm phán hòa bình với Pháp.

Chỉ đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ, từ tháng 3 đến tháng 5/1954, giành được thắng lợi hoàn toàn, Bác Hồ và Trung ương mới thấy ta đã ở vị thế có thể bước vào đàm phán với đối phương. 

Nhân dân Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đòi nhà cầm quyền Pháp chấm dứt chiến tranh, năm 1954- Ảnh tư liệu

Ngày 26/11/1953, trả lời phỏng vấn báo Thụy Điển Expressen về khả năng đàm phán hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Hiện nay, nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng”. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng là giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam DCCH sẵn sàng tiếp ý muốn đó. Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam”.

Ba tháng sau, ngày 15/3/1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đã mở màn, báo cáo trước Hội đồng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu rõ: “Phương châm đấu tranh của ta là vừa đánh vừa nói chuyện. Phải chủ động cả hai mặt, nhưng yếu tố quyết định vẫn là đấu tranh quân sự. Ta càng đánh, càng thắng, nói chuyện càng thuận lợi… Phải tích cực chủ động cả về quân sự lẫn ngoại giao”.

Không có thắng lợi Điện Biên Phủ thì không thể có thành công ở Hội nghị Geneva.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm rung chuyển nội bộ xã hội nước Pháp, thúc đẩy phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Pháp lên đến cao trào, đẩy mạnh phân hóa trong chính giới Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ làm tăng thêm sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với đòi hỏi giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Cuối cùng là sau 9 năm kháng chiến và thắng lợi huy hoàng của chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta mới ký được Hiệp định Geneva 1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Trước kia, với Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, nước Pháp mới chỉ chịu công nhận Việt Nam là một “quốc gia tự do”, chưa phải là một nước có chủ quyền độc lập. Nay với Hiệp định chính thức ở Geneva ngày 20/7/1954, Pháp và 8 nước dự họp đã công nhận chủ quyền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Vĩ tuyến 17 chỉ là một giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên chuyển quân, tập kết và một cuộc tổng tuyển cử tự do sẽ hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước sau thời hạn 2 năm.

Trên thực tế, Hiệp định Geneva thực sự là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự, nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nó vượt ra ngoài ý đồ ban đầu của các nước lớn, định giới hạn  Hiệp định chỉ trong khuôn khổ một hiệp định ngừng bắn đơn thuần, kiểu như ở Triều tiên.

Đường lối chính trị kiên định mục tiêu vì một nước Việt Nam có chủ quyền độc lập, thống nhất trong toàn vẹn lãnh thổ, đã được phái đoàn Việt Nam DCCH giữ vững không gì lay chuyển nổi trong suốt quá trình Hội nghị, dẫn đến thắng lợi được ghi nhận trong một văn kiện có giá trị quốc tế.

Trong khi ở miền Nam, Pháp còn bảo tồn được một số lớn quân Pháp và quân ngụy chưa bị sứt mẻ như ở miền Bắc, trong khi tướng De Castries đã phải đầu hàng ở Điện Biên Phủ, nhưng tướng Pháp Ely còn từ Paris sang Washington đề xuất với Mỹ những điều kiện để “bàn giao” Đông Dương cho Mỹ, thì việc ký Hiệp định Geneva là một thắng lợi có ý nghĩa của hòa bình chống chiến tranh lạnh nô dịch- chặn đứng được âm mưu mở rộng chiến tranh của các giới hiếu chiến.

Những bài học lịch sử quan trọng để lại cho đời sau

Bài học đầu tiên để lại cho ngày nay là lập trường đối ngoại luôn luôn phải giữ vững nguyên tắc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đó là lập trường bất biến để ứng phó với vạn biến.

Bài học thứ hai là bài học muốn có thắng lợi trong công tác đối ngoại, thì phải đồng bộ chăm lo củng cố sức mạnh nội lực. Không thể quên lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”.

Bài học thứ ba là bài học giữ vững ngọn cờ hòa bình, chính nghĩa, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế với nhân dân thế giới đi thuận chiều với xu thế tiến bộ của nhân loại.

Trần Thái Bình

(Nhà nghiên cứu lịch sử)