Theo đó, đến hết ngày 17/2, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XV và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 với tinh thần dân chủ, đúng luật, đúng thời gian theo quy định.
Về bầu cử ĐBQH, theo kết quả hội nghị hiệp thương, tổng số người được phân bổ giới thiệu ứng cử ĐBQH ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cả Trung ương và địa phương giới thiệu) là 1.076 người, đạt tỉ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu (tỷ=ỉ lệ này của kỳ bầu cử khóa XIV là 2,04 lần; khóa XIII là 2,20 lần; khóa XII là 2,23 lần).
Nhìn chung, đa số các địa phương nhất trí với dự kiến phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của địa phương mình được giới thiệu ứng cử ĐBQH khoá XV.
Về bầu cử đại biểu HĐND, số người được hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656/trên 3.715 đại biểu được bầu theo luật định, đạt tỉ lệ bình quân 2,06 lần trên số đại biểu được bầu (cuộc bầu cử năm 2016 là 1,66 lần; năm 2011 là 2,02 lần).
Cơ cấu kết hợp trong số 7.656 người được phân bổ giới thiệu ứng cử cụ thể là: Phụ nữ 1.690, chiếm tỉ lệ 22,1 %; người dân tộc thiểu số 748, chiếm tỉ lệ 9,8%; người trẻ tuổi 814 người, chiếm tỉ lệ 10,6%; người ngoài Đảng 555, chiếm tỉ lệ 7,2 %; người tự ứng cử 20 (dự kiến).
Từ thực tế triển khai, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét tiếp tục điều chỉnh tăng thêm số lượng đại biểu khối MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở Trung ương là 30 đại biểu hoặc như khóa XIV là 31 đại biểu; xem xét điều chỉnh cơ cấu kết hợp do địa phương giới thiệu (như phụ nữ, dân tộc thiểu số, ngoài Đảng, trẻ tuổi...); giải thích hoặc điều chỉnh cơ cấu kết hợp là đại biểu tái cử vì nhiều địa phương kiến nghị do số lượng đại biểu tái cử phân bổ xuống địa phương còn nhiều khiến địa phương khó bố trí, sắp xếp người giới thiệu ứng cử…