
|
Giám đốc truyền thông IPU bà Jemini Pandya - Ảnh: Tuấn Dũng
|
Gặp gỡ báo chí Việt Nam chiều 24/3, tại Hà Nội, Giám đốc truyền thông IPU từ Geneva, bà Jemini Pandya cho biết, cuộc gặp của các nữ nghị sĩ vào ngày 28/3 và lễ kỷ niệm 30 năm thành lập nhóm nữ nghị sĩ trong khuôn khổ IPU là một trong những hoạt động “hết sức thú vị”.
Theo bà Jemini Pandya, “30 năm trước đây, chưa có một diễn đàn nào cho các nữ nghị sĩ hay các nữ chính trị gia - nơi họ có thể trao đổi, trình bày các vấn đề từ góc nhìn của mình và những vấn đề họ thực sự quan tâm”.
Dẫn số liệu thống kê về số lượng các nữ nghị sĩ, bà Jemini Pandya cho biết, hiện số lượng nữ nghị sĩ chỉ chiếm khoảng 22%, tức là trong 5 người thì có 1 nữ nghị sĩ, trong khi tỷ lệ về dân cư là hơn 50%.
Như vậy các nữ nghị sĩ vẫn chưa thực sự có sự hiện diện ”xứng tầm” trong Quốc hội, bà Jemini Pandya nhấn mạnh.
Với diễn đàn này, các nữ nghị sĩ có khuôn khổ để trao đổi và đóng góp trực tiếp vào quá trình ra quyết định và tìm ra các giải pháp cụ thể đóng góp vào văn bản, văn kiện cuối cùng của IPU, bà Jemini Pandya nhấn mạnh.
Hội nghị nữ nghị sĩ là cơ chế tiêu biểu, thể hiện rõ nhất mục tiêu tăng cường vai trò của nữ giới trong chính trị, mang đến quyền bình đẳng chính trị của phụ nữ, là tăng cường số lượng nữ nghị sĩ hoạt động trong lĩnh vực lập pháp thông qua các điều lệ và yêu cầu dành cho các nghị viện thành viên.
Theo dự kiến, tại IPU-132, các nữ nghị sĩ sẽ thảo luận về 2 chủ đề trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng: "Chiến tranh mạng: Một vấn đề nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới”; "Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về nước”.
Ngoài ra, Hội nghị nữ nghị sĩ IPU cũng sẽ thảo luận những vấn đề nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Thành lập năm 1889, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lúc đó được biết đến với tỷ lệ nữ và sự hiện diện của đại diện nữ trong đời sống chính trị của các quốc gia thành viên còn rất thấp. Bất bình với việc nữ giới hầu như không có khả năng ảnh hưởng hay tác động đến các chương trình và chính sách liên quan đến phụ nữ, một nhóm các nữ nghị sĩ tuy nhỏ nhưng rất năng động và tích cực trong IPU đã đưa ra sáng kiến thành lập Nhóm nghị sĩ nữ tại IPU vào năm 1978.
Tuy nhiên cho đến năm 1983, các cuộc gặp của nữ nghị sĩ tại IPU thỉnh thoảng mới được tổ chức trong thời gian diễn ra các phiên họp của IPU dưới hình thức mạn đàm, ăn trưa hoặc gặp gỡ uống trà. Cũng trong năm này, các nữ nghị sĩ đã lên tiếng về khả năng thành lập một tổ chức độc lập của mình dưới sự bảo trợ của IPU. Sau khi phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các phương án, đề xuất nói trên đã được đa số ủng hộ, quan điểm thống nhất cho rằng các mối quan tâm của phụ nữ sẽ được đáp ứng tốt hơn nếu các nữ nghị sĩ gặp nhau định kỳ tại mỗi kỳ Hội nghị IPU để quyết định cách thức và biện pháp mà thông qua đó họ có thể tác động hoặc ảnh hưởng tới các chính sách, chương trình và quyết định của IPU.
Từ năm 1986, Hội nữ nghị sĩ được tổ chức định kỳ một ngày trước mỗi phiên họp của Đại Hội đồng IPU (trước đây gọi là Hội nghị IPU).
Được biết, tại Đại hội đồng IPU lần này, Đoàn Việt Nam sẽ tham gia tích cực vào các nghị quyết của Đại hội đồng, bảo đảm cho các nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng, được xem xét, cân nhắc qua lăng kính giới, phản ánh được tiếng nói của các nghị sĩ nữ tại Đại hội đồng.