Hội nghị đánh dấu những cơ hội từ việc quyết định nâng cấp mối quan hệ giữa hai quốc gia lên Đối tác Chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống J. Biden gần đây.
Các cuộc thảo luận quan trọng sẽ tập trung vào tháo gỡ nút thắt trong huy động nguồn lực, sản xuất và kinh doanh; đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; bảo đảm khả năng tiếp cận, chi trả và đổi mới trong ngành y tế; khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số; nâng cấp từ thị trường cận biên lên dạng thị trường mới nổi; thúc đẩy đầu tư bền vững và tích hợp chuỗi cung ứng, ví dụ như chuẩn bị cho cơ hội trong lĩnh vực bán dẫn.
Việc Việt Nam nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ lên tầm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong tăng cường hợp tác song phương. Các hiệp định thương mại này đã vạch ra một lộ trình dài hạn cho Việt Nam không chỉ với tư cách là một trung tâm sản xuất hàng đầu mà còn là trung tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có giá trị cao.
Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 do NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp tổ chức mới đây, ông Vinnie Lauria, Đối tác sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures đánh giá: Trong một năm đầy thách thức đối với hầu hết các nền kinh tế, Việt Nam đã chuyển hướng phát triển kinh tế sang tốc độ cao, khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bất chấp những khó khăn khó lường của năm 2023, tính đến ngày 20/10/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, trong 10 tháng, vốn FDI chủ yếu đến từ khu vực Đông Á, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,65 tỷ USD, chiếm hơn 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 3,93 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư; Hongkong (Trung Quốc) đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,54 tỷ USD, chiếm hơn 13,7% tổng vốn đầu tư, tăng gấp gần 2,6 lần so với cùng kỳ.
Việt Nam đang nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn FDI và phát triển cơ chế hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và số hóa.
Anh Minh