TS. Nguyễn Ngọc Trường. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng |
Chỉ còn ít ngày nữa là sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ-Triều tại Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về cuộc gặp này?
TS. Nguyễn Ngọc Trường: Cuộc gặp lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ở Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng. Tôi cho rằng hai bên cần có 3-4 cuộc gặp trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cuộc gặp ở Singapore là để “làm quen” và mở đầu hai tiến trình đó là bình thường hóa quan hệ hai nước, lập lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Chính vì vậy cuộc gặp Hà Nội sẽ có vị trí lịch sử mới, tạo khởi điểm mới thúc đẩy hai tiến trình trên với những bước đi cụ thể hơn trong khoảng một năm rưỡi còn lại. Chúng ta đều biết rằng những cuộc gặp thượng đỉnh như vậy, đặc biệt là đối với cường quốc như Mỹ, thường là không kéo dài, chỉ diễn ra khoảng 3 -4 giờ đồng hồ, nhưng lần này hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau trong 2 ngày, sẽ có những cuộc thương lượng và đi đến một số quyết định quan trọng ở phiên cuối cùng.
Theo ông, tại sao Hà Nội được lựa chọn là nơi diễn ra hội nghị lần này?
TS. Nguyễn Ngọc Trường: Đây là câu hỏi được dư luận thế giới bàn luận rất nhiều. Hà Nội được lựa chọn là nơi diễn ra hội nghị lần này phản ánh hy vọng của Washington mong muốn Bình Nhưỡng đổi mới, mở cửa và mở rộng quan hệ đối ngoại theo mô hình của Việt Nam. Việt Nam là hình mẫu thành công về kinh tế cũng như ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo của một đảng cộng sản.
Mỹ và Việt Nam từ kẻ thù trở thành bạn bè, đối tác quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực, đây chính là thông điệp quan trọng đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Thông thường các cuộc gặp giữa hai nước đối địch nhau được tổ chức ở các nước trung lập hoặc ở một nước bạn của cả hai bên. Việt Nam hội tụ được những yếu tố đó, chúng ta là bạn bè truyền thống với Triều Tiên, đồng thời cũng là đối tác hợp tác với Mỹ.
Có thể nói cuộc gặp tại Hà Nội - thành phố vì hòa bình, sẽ tạo ra nguồn cảm hứng cho cả hai bên, đặc biệt với lãnh đạo Triều Tiên.
Rất nhiều kỳ vọng đang được đặt ra, vậy ông có dự đoán thế nào về kết quả của cuộc gặp?
TS. Nguyễn Ngọc Trường: Đây là cuộc gặp thượng đỉnh cực kỳ quan trọng, nếu không có tầm nhìn sáng suốt và sự dũng cảm về chính trị của hai nhà lãnh đạo hai nước thì không thể có cuộc gặp như vậy. Hai nhà lãnh đạo đều đứng trước sức ép về thời gian. Năm 2020 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump muốn có được lợi thế để tranh cử. Còn với ông Kim Jong-un muốn đạt được những thành quả nhất định, phù hợp với lợi ích của Triều Tiên trước khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc. Vì vậy, hai bên không thể lãng phí khoảng thời gian này cho những hoạt động mang tính lễ tân, không hiệu quả, mà phải tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm.
Cần phải hiểu phía Mỹ đang mong muốn điều gì. Tất nhiên Mỹ muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và ngừng các chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Để đạt được những yêu cầu cao như vậy trong khi Triều Tiên chưa sẵn sàng để thỏa hiệp với toàn bộ những đòi hỏi đó thì cần phải có những giải pháp trung gian phù hợp. Do đó nhiều ý kiến cho rằng, thay vì phi hạt nhân hóa là một quá trình kéo dài, có thể đóng băng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Mỹ cũng sẽ yêu cầu Triều Tiên phá bỏ những cơ sở sản xuất nguyên liệu hạt nhân và bãi thử tên lửa. Tôi cho rằng đạt được những thành quả này là rất quan trọng.
Phía Triều Tiên cũng đưa ra những yêu cầu. Có dư luận nói rằng, Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải kí hiệp ước hòa bình, bình thường hóa quan hệ. Nhưng theo tôi, cuộc gặp này chưa phải để đạt được những điều đó. Thay vào đó hai bên có thể mở đầu tiến trình bình thường hóa bằng cách mở văn phòng liên lạc. Theo kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, chúng ta phải trải qua nhiều bước, trong đó đầu tiên là mở văn phòng liên lạc, từ đó giải quyết một số vấn đề cụ thể.
Thông qua văn phòng liên lạc Triều Tiên có thể kê khai kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo và kiểm chứng, nhưng không phải để phá hủy mà đóng băng. Trong các cuộc thương lượng với các nước lớn, một nước như Triều Tiên luôn phải nắm được sự chủ động. Họ có thể thỏa hiệp với Mỹ về các vấn đề như kiểm kê, kiểm tra hay đóng băng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, nhưng khi cần Triều Tiên vẫn cần có con bài để đàm phán với Mỹ.
Không phải dễ dàng để thực hiện được những điều này trong khoảng thời gian gần hai năm tới, nhưng ít nhất cuộc gặp này sẽ đạt được những thỏa thuận cụ thể. Để đạt được mục tiêu cao hơn là kí hiệp định hòa bình và tuyên bố bình thường hóa quan hệ, hay việc Triều Tiên đáp ứng được tất cả các yêu cầu của Mỹ, hai nước sẽ lựa chọn bước đi thích hợp, đặc biệt là đến thời điểm 2020, chúng ta chờ đợi ít nhất có một cuộc gặp thượng đỉnh nữa.
Nếu như mọi chuyện diễn ra thuận lợi hy vọng sẽ có một cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington và một cuộc ở Bình Nhưỡng. Thế giới mong chờ những bước tiến cơ bản của hai tiến trình phi hạt nhân hóa, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và lặp lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Thế giới và Việt Nam mong muốn tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước diễn ra thuận lợi.
Theo ông cuộc gặp gỡ lần này sẽ có tác động thế nào đến vị thế quốc tế của Việt Nam?
TS. Nguyễn Ngọc Trường: Việt Nam sẽ được đánh giá là một điểm đến hòa bình ổn định, cho thấy đường lối đổi mới mở cửa, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế của Việt Nam có sức thuyết phục đối với cộng đồng quốc tế. Cuộc gặp này là kiểm nghiệm hết sức quan trọng và có ý nghĩa lịch sử đối với công cuộc đổi mới, mở của của Việt Nam.
Có thể nói, đây là thời cơ và điểm nhấn rất quan trọng của ngoại giao Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong hơn 30 năm đổi mới mở cửa đã có rất nhiều hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Việt Nam. Chúng ta từng làm chủ nhà của rất nhiều hội nghị quan trọng như APEC cấp cao ASEAN… nhưng làm chủ nhà cho cuộc gặp thượng đỉnh có tính chất phức tạp hàng đầu thế giới như vậy là lần đầu tiên.
Điều này có ý nghĩa khích lệ rất lớn đối với ngoại giao Việt Nam. Đây cũng là thắng lợi của công cuộc cải cách mở cửa. Nếu không có thành tựu của cải cách mở cửa, không có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế thì sẽ không thể có cuộc gặp này.
Tuấn Dũng