In bài viết

Hội nghị: Tổng kết dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng giai đoạn 1998 -2010 và giải pháp bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011 -2015.

Sáng 27/4, Tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị Tổng kết dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng giai đoạn 1998 -2010 và giải pháp bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011 -2015 với các địa phương trên toàn quốc. Tại đầu cầu Gia Lai, tham dự có các đồng chí Phó Chủ tịch: Hoàng Công Lự, Phùng Ngọc Mỹ và một số sở, ngành liên quan.

27/04/2011 16:57

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ qua hơn 13 năm thực hiện dự án, diện tích rừng cả nước, dù còn không ít những khó khăn thách thức, nhưng rừng đã và đang được bảo vệ; đã có hơn 2,450 triệu ha rừng mới được trồng, nếu tính cả 1,283 triệu ha rừng đã và đang được khoanh nuôi thì tổng diện tích được gây trồng mới trong cả giai đoạn 1998-2010 hơn 3,73 triệu ha (trên mục tiêu của dự án ban đầu trồng mới 5 triệu ha rừng). Qua quá trình thực hiện, nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ rừng, phát triển rừng của tất cả các địa phương và người dân được nâng lên rõ rệt. Rừng được bảo vệ tốt hơn, độ che phủ rừng tăng qua các năm, từ 32% năm 1998 lên 37,1% năm 2005, và năm 2010 lên 39,5%. Môi trường sinh thái được cải thiện, nhiều nơi nguồn sinh thủy được cải thiện đáng kể. Dự án góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho 4.657.211 người chủ yếu là đồng bào dân tộc miền núi, vùng cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng nhất là các địa phương trung du, miền núi. Tạo được vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván nhân tạo, gỗ trụ mỏ và các sản phẩm lâm đặc sản khác, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ tăng nhanh, năm 2000 mới đạt 209 triệu USD, năm 2005 đạt 1.570 triệu USD, năm 2010 đạt 3,55 tỷ USD. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng qua các năm (từ 400 ngàn m­­ 3 năm 1998 lên 2,5 triệu m 3 năm 2005 và 4,5 triệu m 3 năm 2010). Dự án đã góp phần thúc đẩy xã hội hóa ngành lâm nghiệp; cùng với 1 đồng đầu tư từ ngân sách nhà nước, dự án đã huy động được 3,4 đồng từ các nguồn vốn khác cho bảo vệ và phát triển rừng (chưa kể các nguồn vốn đầu tư cho chế biến lâm sản do đã có vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản từ dự án).

Phát huy những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã thống nhất các mục tiêu thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 là nâng độ che phủ của rừng đạt 42-43% vào năm 2015, góp phần đảm bảo an ninh môi trường, sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thủy, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Kết quả lớn nhất của án trồng mới 5 triệu hecta rừng là thông qua chủ trương trồng rừng đã giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người dân, mật độ che phủ của rừng tăng lên và tác động của rừng đối với môi trường cũng tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại đáng quan tâm như diện tích đất trống đồi núi trọc còn lớn, chất lượng về rừng chưa cao, từ rừng phòng hộ ven biển đến rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng xung yếu và rừng đặc dụng. Công tác quản lý Nhà nước về rừng từ khâu quy hoạch đến giao đất rừng còn nhiều tồn tại. Thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: Phải xây dựng chương trình phát triển rừng, bảo vệ rừng phải gắn với biến đổi khí hậu, các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và xây dựng nông thôn mới. Cần phải nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và phát triển rừng trong toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân, xem đây là điều kiện để phát triển đất nước, là điều kiện để giải quyết các vấn đề xã hội. Phải nâng cao mật độ che phủ của rừng, không để đất trống đồi núi trọc và đất không rừng. Làm tốt công tác Quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng, phân công tổ chức các lực lượng bảo vệ rừng rõ ràng, thiết lập kỷ cương thật tốt trên mọi địa bàn. Có chính sách thích hợp đối với những người làm công tác bảo vệ rừng./.

Thanh Bình