Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Thùy Chi |
Ý thức bảo vệ môi trường chưa thành thói quen
Phát biểu tại hội thảo, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giai đoạn 2015-2020, Trung ương Hội đã hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố xây dựng thành công hàng trăm mô hình điểm về thu gom, phân loại và xử lý rác thải trong sinh hoạt, xử lý chất thải trong làng nghề, hầm khí Biogas bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng kiến thức bản địa trong bảo vệ môi trường.
Thông qua các mô hình điểm để tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từ đó có hành động cụ thể bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn tại tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, An Giang, Long An; mô hình “xử lý nước thải làng nghề” tại tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình; mô hình “đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường” góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, cung cấp nhiên liệu trong sinh hoạt như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Trị..
Ông Thào Xuân Sùng cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham gia bảo vệ môi trường của các cấp hội còn tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là ý thức bảo vệ môi trường chưa thành thói quen, nếp sống của hội viên nông dân; thái độ, hành vi, lối sống, thói quen tiêu dùng thiếu thân thiện môi trường còn phổ biến ở nhiều nơi. Vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước; lúng túng, bị động, thiếu kinh nghiệm và trách nhiệm của một bộ phận hội viên, nông dân ở một số địa phương đối với cộng đồng trong phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai…
Đồng quan điểm trên, các chuyên gia cũng chỉ ra môi trường nông thôn hiện vẫn còn tồn tại nhiều bức xúc, sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn trước mắt và lâu dài. Xu thế dịch chuyển các hoạt động sản xuất từ đô thị về khu vực nông thôn, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Các dòng chất thải dịch chuyển từ đô thị về nông thôn để tái chế, xử lý. Nhu cầu hàng hóa gia tăng, nên khu vực nông thôn bị gánh chịu nhiều hậu quả của tình trạng lạm dụng hóa chất dùng trong nông nghiệp.
Theo thống kê, hoạt động nông nghiệp sử dụng hằng năm khoảng 7,3 triệu tấn/năm đến 8,6 triệu tấn/năm; thuốc bảo vệ thực vật khoảng 110.000 tấn/năm đến 150.000 tấn/năm, trong đó có khoảng 10% là bao bì thải bỏ. Đồng thời, phụ phẩm nông nghiệp cũng gây áp lực không nhỏ đến môi trường nông thôn.
Trao đổi xoay quanh vấn đề này, đại diện Hội Nông dân một số tỉnh như Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh và các chuyên gia cho rằng, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp và cán bộ, hội viên nông dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ môi trường, chống lại các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường thì cần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Nông dân. Việc tăng cường này phải bằng hành động cụ thể, trong đó cần có đội ngũ chuyên gia của Bộ xuống cơ sở (cấp tỉnh) đào tạo, trang bị kiến thức về môi trường và pháp luật cho Hội, hội viên. Có như vậy mới nâng cao được vai trò giám sát của nông dân trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường.
Ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp với các cấp Hội Nông dân trong việc tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời tạo mọi điều kiện để Hội Nông dân tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động về bảo vệ tài nguyên môi trường nông thôn…
Ảnh: VGP/Thùy Chí |
Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống các cơ quan quản lý
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ghi nhận những nỗ lực của các cấp Hội Nông dân đạt được trong công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới được thông qua, có nhiều nội dung cho thấy Hội Nông dân Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường, cụ thể: Huy động hội viên và nông dân tham gia bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, vệ sinh, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn; gắn xây dựng nông thôn mới với các mô hình bảo vệ môi trường; tổ chức hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất "xanh", phát triển bền vững.
Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống các cơ quan quản lý ngành tài nguyên và môi trường, Hội Nông dân ở Trung ương và địa phương; Trung ương Hội Nông dân và các cấp Hội Nông dân đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nói chung; các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ sức khỏe người dân nói riêng tới các hội viên, tổ chức, hộ gia đình nông dân để nâng cao nhận thức và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể hóa các phong trào, mô hình tiên tiến để dẫn dắt người nông dân từng vùng miền tham gia đưa nền nông nghiệp gắn liền với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế hữu cơ trong nông nghiệp. Có cơ chế thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân tham gia, từ đó, tạo ra nguồn lực mạnh mẽ, phát triển bền vững để bảo vệ môi trường.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội Nông dân tổ chức vận động, huy động hội viên, nông dân để phát triển, nhân rộng các mô hình, hoạt động, cách làm hay về bảo vệ môi trường nông thôn, nông nghiệp, nhất là các hoạt động, mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới; kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển bền vững; có các hướng dẫn áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn.
Bộ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các nội dung để phát triển mục tiêu 1 tỷ cây xanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây là chương trình quan trọng mà Hội Nông dân với các hội viên là người thực hiện chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát lại các quy hoạch sử dụng đất, rừng để hai bên cùng thực hiện.
Ngoài ra, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường để góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tiếp tục có tổng hợp, tập hợp, đề xuất với Chính phủ để ban hành, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện công tác bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tế.
“Để đạt được các nội dung quan trọng này, trong thời gian tới đây, sự phối hợp giữa Hội Nông dân các cấp và ngành tài nguyên và môi trường phải được tăng cường, chú trọng, thực hiện bài bản, các hoạt động phải được đề ra cụ thể, thiết thực, gắn với nguồn lực và trách nhiệm, đồng thời có sự theo dõi, giám sát và đánh giá cụ thể; đồng thời tôi Hội Nông dân các cấp tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của mình đối với công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thành công Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Thùy Chi