In bài viết

Hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ

Chinhphu.vn) – Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với phương châm “thay đổi cách nhìn về một con người là có thể thay đổi cuộc đời họ”, hàng năm Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số I, Hà Nội đã chữa bệnh, giáo dục cho hàng nghìn người nghiện ma túy.

13/03/2012 16:25

Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội số 1, Hà Nội - Ảnh Chinhphu.vn

Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đã xây dựng thành công mô hình cai nghiện hoàn chỉnh, kiểu mẫu trong lĩnh vực cai nghiện phục hồi. Hiện Trung tâm thường xuyên quản lý ổn định trên 1.000 học viên. Trong đó có khoảng 20 – 25% học viên bị nhiễm HIV/AIDS, khoảng 40% học viên là đối tượng lang thang, ngoại tỉnh về Hà Nội,…

"Thay đổi cách nhìn về một con người là có thể thay đổi cuộc đời họ"

Ông Triệu cho biết thêm, để thực hiện tốt Quyết định số 1001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam, Trung tâm xác định phương châm xây dựng và phát triển là: Xây dựng Trung tâm “Sạch đẹp như công viên, điều trị như bệnh viện, giáo dục như nhà trường, kỷ luật như quân đội” và quan điểm “Thay đổi cách nhìn về một con người là ta có thể thay đổi cuộc đời họ” phấn đấu “xứng đáng là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực cai nghiện được Chủ tịch nước tặng Huân Chương Lao động hạng 2".

Trên tinh thần đó, các học viên sau khi được Trung tâm tiếp nhận, đều được phân loại, điều trị cắt cơn, giải độc, tổ chức điều trị phục hồi sức khỏe theo đúng quy trình điều trị cho người cai nghiện ma túy do liên cơ quan Bộ Y tế - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Đồng thời, Trung tâm còn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường; tư vấn, chăm sóc điều trị cho người mắc lao, nhiễm HIV/ASDS.

Ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc Trung tâm khẳng định: Thay đổi cách nhìn về một con người là ta có thể góp phần thay đổi được cuộc đời họ. Ảnh Chinhphu.vn

Sau giai đoạn điều trị cắt cơn, phục hồi sức khỏe (khoảng 30 – 45 ngày tùy thể chất từng người), tất cả các học viên được giáo dục hành vi nhân cách, tư vấn pháp lý, sinh hoạt nhóm,...

Với những người chưa biết chữ, Trung tâm tổ chức dạy văn hóa, xóa mù chữ và tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn cho họ.

Chỉ tính riêng 2 năm trở lại đây, Trung tâm đã xóa mù chữ cho 64 đối tượng. Hiện nay, Trung tâm đang dạy xóa mù chữ cho 38 người. Trong đó, người cao tuổi nhất được Trung tâm xóa mù chữ là học viên Lò Văn Tiến sinh năm 1965.

Sau giờ học tập, lao động trị liệu, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao cho người nghiện ma túy để chăm lo đời sống tinh thần và thay đổi nhận thức, hành vi cho người nghiện, đảm bảo điều kiện tái hòa nhập xã hội cho họ.

Học viên được học nghề

Trung tâm xác định, đối với cơ sở cai nghiện, mục tiêu quan trọng nhất là chữa bệnh. Đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với hoạt động dạy nghề cho học viên. Bởi đây không chỉ là hình thức lao động trị liệu, mà còn là phương pháp hiệu quả giáo dục ý thức lao động, trân trọng thành quả lao động cho mỗi học viên. Mặt khác dạy nghề còn trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để học viên sau này có cơ hội ổn định cuộc sống, tái hòa nhập với đời sống xã hội.

Do đó, Trung tâm đã nghiên cứu, lựa chọn những nghề vừa phù hợp với thể trạng và đặc điểm tâm lý của người nghiện ma túy để tổ chức đào tạo. Đồng thời, chủ động phối hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn tạo đầu ra cho sản phẩm,...

Hiện tại, Trung tâm đang tổ chức đào tạo 11 nghề cho học viên gồm: nghề may, nghề mộc, xây dựng, sửa chữa xe máy, gốm mỹ nghệ, chế tác đá, mây tre đan, cơ khí, in bao bì, đan mành trúc, khâu bóng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, hướng dẫn học viên tự tìm việc làm và tạo việc làm, thích nghi với đời sống xã hội sau khi cai nghiện.

Anh Hoàng Thanh Hải, học viên Trung tâm đang học nghề cơ khí tâm sự với chúng tôi: "Em vào Trung tâm được hơn 1 năm, tăng được gần 10 cân. Trước đây bị nghiện ngập, lại không có nghề nghiệp, đêm ngày lang thang, dặt dẹo tìm thuốc, cứ nghĩ đời em coi như đã bỏ đi. Từ khi vào Trung tâm, được các thầy chữa bệnh và dạy dỗ, chỉ bảo nên sau khi cắt cơn em theo học nghề cơ khí. Khi được về với xã hội, em sẽ mở một cơ sở sản xuất nhỏ, tu chí làm ăn để làm lại cuộc đời".

   

Các học viên sau khi điều trị cắt cơn, phục hồi sức khỏe đều được đào tạo nghề, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao tăng gia sản xuất để vững tin hòa nhập cộng đồng. Ảnh Chinhphu.vn 

Và tăng gia trồng trọt, chăn nuôi

Ông Triệu cho biết thêm, hiện nay Nhà nước hỗ trợ tiền ăn cho học viên 14.000 đồng/ngày. Trong bối cảnh hàng hóa, thực phẩm ngày càng đắt đỏ số tiền ít ỏi này thật khó để lo đủ 1 ngày 3 bữa cơm đảm bảo dinh dưỡng cho học viên vừa chữa bệnh, vừa học tập, lao động. Do vậy, ngoài thời gian học tập, lao động trị liệu, cán bộ và học viên ở Trung tâm còn tích cực tăng gia trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống.

Nhờ vậy, năm nào Trung tâm cũng chăn nuôi được khoảng 1.000 con lợn, hàng nghìn con gia cầm, vài chục tấn cá, tự túc 100% rau xanh… Qua đó, đã góp phần cải thiện đời sống, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe, thể chất cho học viên. Đồng thời cũng tạo điều kiện để củng cố cơ sở vật chất, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chữa bệnh cho người nghiện ma túy.

Bản lĩnh người thầy

Ông Triệu tâm sự: "Đối với những người làm công tác cai nghiện chúng tôi, được tham gia thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao vừa là vinh dự lớn mà cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Trung tâm đã xác định khâu đầu tiên phải thực hiện là nâng cao năng lực, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ. Lấy yếu tố cán bộ là then chốt, quyết định sự thành công và phát triển, nhất là đối với đặc thù của đơn vị làm công tác cai nghiện vốn vất vả, rủi ro nghề nghiệp rất cao.

Trung tâm thường xuyên cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp. Hiện nay, Trung tâm có 125 cán bộ, viên chức, nhân viên. Trong đó, 39% cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học; 100% cán bộ đều được đào tạo nghiệp vụ quản lý cai nghiện; nghiệp vụ bảo vệ cơ quan; nghiệp vụ sư phạm về giáo dục, đào tạo cho đối tượng đặc thù;…"

Ông Triệu khẳng định: Mỗi cán bộ làm công tác cai nghiện vừa là một người thầy, vừa là người chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống ma túy. Do đó, nếu cán bộ không có bản lĩnh vững vàng và nắm chắc về chuyên môn nghiệp vụ thì không thể gắn bó lâu dài với nghề, với cơ quan, đơn vị được. Bởi vì, hoạt động trong lĩnh vực cai nghiện vốn thầm lặng, cán bộ đa phần phải sống xa gia đình, rủi ro nghề nghiệp rất cao, nguy cơ lây nhiễm HIV luôn tiềm ẩn.

Ông Triệu cho biết thêm: "Gần như năm nào cũng có cán bộ bị phơi nhiễm khi tham gia các hoạt động cùng học viên, thậm chí không ít trường hợp cán bộ bị học viên do thần kinh không ổn định tấn công. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác chính trị tư tưởng, anh em có bản lĩnh vững vàng nên sau khi điều trị phơi nhiễm lại tiếp tục làm việc".

Nhìn những học viên khỏe mạnh, chăm chỉ học tập, lao động trong Trung tâm; được chứng kiến sự quyết tâm phát triển đơn vị theo tiêu chí “Để gia đình người nghiện được yên tâm, để học viên được hài lòng”, “Xứng đáng là nơi hồi sinh cho những mảnh đời lầm lỡ”, chúng tôi tin tưởng mục tiêu giữ vững danh hiệu “Lá cờ đầu” trong lĩnh vực cai nghiện phục hồi sẽ được tập thể cán bộ Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số I, Hà Nội thực hiện thành công./.

Trần Mạnh thực hiện