Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, việc biên soạn bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn (1945-2015) có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm phản ánh tương đối toàn diện, đầy đủ, chính xác, trung thực, có hệ thống quá trình ra đời, phát triển về tổ chức và hoạt động của Chính phủ cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Qua đó, rút ra những bài học và kinh nghiệm quý báu phục vụ việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước của Chính phủ, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Thứ trưởng Triệu Văn Cường nhấn mạnh: Vai trò, vị trí của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế qua mỗi thời kỳ của đất nước đã được khẳng định như một thông điệp chủ đạo của Chính phủ trong việc hoạch định chính sách về kinh tế nhằm điều tiết và tạo thuận lợi có hiệu quả, khắc phục sự thất bại của thị trường, tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp và cá nhân, tạo thuận lợi cho việc cung cấp những dịch vụ và cơ sở hạ tầng công thiết yếu.
Thành công trong tương lai của Việt Nam trong việc chuyển đổi nhanh chóng thành quốc gia có thu nhập cao sẽ phụ thuộc vào việc tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam một cách có hiệu quả. Vì vậy, cần thiết kế sắp xếp thể chế như thế nào cho tốt nhất để đảm bảo rằng Nhà nước và thị trường bổ sung cho nhau nhằm đạt được các mục tiêu cốt lõi của Chính phủ Việt Nam đề ra.
Xuất phát từ vai trò, vị trí của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế ở mỗi thời kỳ lịch sử của đất nước, PGS.TS. Triệu Văn Cường mong muốn và đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia cùng các đại biểu chia sẻ, thảo luận tập trung vào các nội dung chủ yếu: Đánh giá các vấn đề lý luận, thực tiễn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và phát triển kinh tế; các bài học kinh nghiệm của Chính phủ trong quá trình quản lý và phát triển kinh tế của một số ngành, lĩnh vực cụ thể, như tài chính, ngân sách, kinh tế tư nhân, kinh tế vùng, cải cách thủ tục hành chính…
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt chia sẻ những bài học kinh nghiệm của Chính phủ về quá trình quản lý tiền tệ quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2006-2015, quá trình quản lý tài chính- ngân sách Nhà nước ở Việt Nam giai đoạn 2005-2015, xây dựng, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2005-2015, quá trình quản lý và phát triển kinh tế Nhà nước giai đoạn 2011-2020, quản lý và phát triển vùng ở một số nước trên thế giới...
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các đại biểu tham dự về một số nội dung: Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và phát triển kinh tế ở nước ta; phương hướng lập pháp phục vụ hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và phát triển kinh tế ở nước ta trong thời gian tới; một số giải pháp đẩy mạnh phát triển liên kết kinh tế vùng ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; một số giải pháp đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay...
LS